Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay cũng bắt đầu cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2013.

Nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy - Ảnh 1
Mấy chục năm trăn trở với nghề, ông Nguyễn Trọng An (Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH) (ảnh bên) chia sẻ: Điều trăn trở nhất trong thời điểm này là trẻ em rất đông, chiếm 1/3 dân số và trẻ em cần sự quan tâm nhiều hơn người lớn, nhưng những "khoảng trống" trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em vẫn quá chậm được lấp đầy.

Phải xem lại việc làm thực

Trước hết, theo nhận định của ông, đâu là những vấn đề nổi cộm trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiện nay?

- Khách quan mà nói, những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nhưng cũng phải thẳng thẳn nhìn nhận, hầu hết các mục tiêu quan trọng liên quan trực tiếp đến trẻ lại chưa đạt được: Thiếu các điểm giải trí an toàn và phù hợp ở các xã phường, các chỉ tiêu về giảm trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, bạo lực… Trong đó, vấn đề trẻ em bị bạo lực và lạm dụng vẫn rất nhức nhối. Chỉ tính riêng năm 2012 đã có gần 1.000 trường hợp bị lạm dụng tình dục. Rồi trẻ em bị chết do các tai nạn thương tích như chết đuối, giao thông, bom mìn… vẫn cao gấp 8 lần so với các nước trong khu vực. Tình trạng lao động trẻ em cũng đang là một "điểm đen" khi còn 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Chúng ta có tập trung vào giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em, nhưng ngay cả định nghĩa, khái niệm về lao động trẻ em vẫn còn chưa rõ ràng, vậy làm sao mà có những bước tiến nhanh được. Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác nữa như trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ sa vào bạo lực… khiến cho lúc nào cũng có cảm giác công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn bộn bề những điều cần lo nghĩ.

Nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy - Ảnh 2
 
Ảnh: Văn Phúc.
 
Nhiều người vẫn đặt câu hỏi rằng, tại sao vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc như vậy trong khi những số liệu, diễn giải của các địa phương đưa ra hàng năm vẫn tạo cảm giác dường như công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được đặt ở vị trí xứng tầm?

- Tôi lại thấy rằng, nguyên nhân gốc rễ chính là sự đầu tư của Nhà nước chưa thỏa đáng. Rất nhiều nơi hô khẩu hiệu "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", "Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em"... nhưng như con số năm 2009 chúng tôi phân tích lại rất đáng buồn: Không tính đến vấn đề giáo dục, y tế, mỗi trẻ em Việt Nam chỉ được hỗ trợ chính thức 5.000 đồng cho vấn đề bảo vệ để không bị lạm dụng, bạo lực!... Thực tế, hàng năm Nhà nước đều phân bổ ngân sách cho địa phương để thực hiện các chương trình cho trẻ em, nhưng ngân sách tại địa phương dành cho trẻ em lại rất ít. Tại Diễn đàn Quốc gia về trẻ em, một bé gái đã phát biểu: "Sân chơi của chúng cháu ít hơn sân tenis của người lớn". Điều này làm chúng ta cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo hơn về vấn đề này. Bên cạnh đó, các mô hình để giúp đỡ cho trẻ em như nhà tình thương, trung tâm bảo trợ... còn rất ít và số lượng trẻ được bảo trợ cũng rất nhỏ. Chúng ta phải xem xét lại sự thống nhất giữa khẩu hiệu và việc làm. Hiện có những nơi mỗi năm bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư cho công tác chăm sóc trẻ em, nhưng số địa phương như vậy cũng chỉ chiếm 1/3 số tỉnh, thành cả nước. Còn lại gần 2/3 số tỉnh đầu tư rất thấp, có nơi chỉ dành 400 triệu đồng/năm cho công tác này. Tôi vẫn tự hỏi, không hiểu số tiền này thấm được vào đâu?

Cùng với đó, hệ thống mạng lưới phát hiện, báo cáo, phối hợp phòng chống, ngăn chặn nạn bạo hành trẻ ở cấp cơ sở còn nhiều lỗ hổng, yếu kém. Hiện chúng tôi đang phải gây dựng lại mạng lưới cộng tác viên trong cộng đồng, nhưng mới có khoảng 40.000 người cho hơn 11.000 xã trên cả nước. Mặt khác, mức thù lao cho đội ngũ này quá thấp, chỉ 50.000 đồng/tháng, không đủ tiền đổ xăng đi tuyên truyền, nhất là tại các xã đông dân. Vì thế, dù nhiệt tình đến mấy cũng rất ít người có đủ tâm huyết để làm công việc này. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có 3 cấp độ: Phát hiện sớm, can thiệp ngay và trợ giúp, tư vấn tâm lý khi sự việc đã xảy ra. Tuy nhiên, với đội ngũ cộng tác viên vừa mỏng, vừa yếu như hiện nay, hầu như các vụ việc vi phạm quyền trẻ em đều trong tình trạng phát hiện muộn, xảy ra rồi mới trợ giúp, nhiều trường hợp không thể cứu vãn được nữa. 

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc phòng ngừa và xử lý các nguy cơ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em?

- Đúng thế, đó cũng là một thiếu sót. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em cũng như đã phê chuẩn các Nghị định thư bổ sung. Ở trong nước, hệ thống pháp luật về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em đã được điều chỉnh để đáp ứng những vấn đề nảy sinh và hài hoà với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, các "kẽ hở pháp luật" ở lĩnh vực này vẫn thể hiện qua việc thiếu những quy định, chế tài cụ thể về phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Pháp luật cũng chưa có được quy định nhằm ràng buộc rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng ngừa cũng như xử lý các vi phạm quyền trẻ em, xâm hại, bạo hành trẻ em nói riêng. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức, các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực chưa được quy định cụ thể...

Một ngành không thể làm được

Vậy theo ông, đâu là giải pháp mạnh mẽ, có hiệu quả thiết thực nhất để lấp đầy những khoảng trống trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em?

- Tôi phải nói lại rằng, vấn đề không phải là hô khẩu hiệu mà rất cần các ngành, các cấp cũng hành động. Mỗi năm, Tháng hành động vì trẻ em đều nhằm phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ, giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cũng đã phối hợp với các bộ, ngành đệ trình các giải pháp như xây dựng các chính sách, chương trình hành động… Tuy nhiên, việc phê duyệt lại có sự chậm trễ. Thậm chí, nhiều đại biểu Quốc hội còn phải đặt ra câu hỏi, tại sao trẻ tai nạn thương tích nhiều như thế mà bây giờ vẫn chưa phê duyệt chương trình hành động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em?. 

Nhưng cùng với những chính sách, tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là sự cam kết, nhận thức và vào cuộc của lãnh đạo các cấp. Phải nhận thức đúng được ý nghĩa của các khẩu hiệu chúng ta vẫn đang đưa ra để có sự phân bổ ngân sách, nhân lực hợp lý. Thứ nữa, mỗi gia đình phải nâng nhận thức trong chăm sóc, giáo dục trẻ em thay vì phó mặc cho người giúp việc, nhà trường, xã hội. Các cơ chế luật pháp cũng phải rà soát lại, sửa đổi các điều khoản, bổ sung chế tài, cần có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng tội phạm, bảo mật thông tin, bảo vệ người tố cáo. Ngoài ra, cần củng cố và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ, chăm sóc trẻ em, từ đó mới có thể xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Và giải pháp có tính căn bản, bao trùm là giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế gia đình, vì đa số em bé bị nguy cơ bạo lực, lạm dụng, bị chết do tai nạn… đều rơi vào những gia đình nghèo. Đó là những công việc rất lớn, vô cùng nan giải cần tất cả bộ, ngành vào cuộc, nếu chỉ Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em hay Bộ LĐTB&XH sẽ không làm nổi.
 
Vừa rồi, Cục có công bố kết quả lấy ý kiến trẻ em để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhiều trẻ bày tỏ nguyện vọng rất muốn được lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Phải chăng đây cũng là  điểm cần lưu ý?

- Điều đó rất đúng. Chúng ta luôn nói rằng "lắng nghe trẻ em nói", nhưng thực tế thì thế nào? Theo tôi, trẻ em phải được quyền chia sẻ thông tin từ gia đình ra xã hội. May mắn là hiện đã có những diễn đàn từ địa phương, quốc gia về quyền trẻ em, có những cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo và trẻ em. Nhưng việc này phải được đưa vào trong Luật với những quy định cứng. Còn việc có rơi vào hình thức không là điều không tránh khỏi. Nhưng trước hết hãy hành động đi đã.

Xin cảm ơn ông!

Tạo cơ hộ phát triển bình đẳng cho trẻ em

Hôm nay, ngày 1/6, tại Từ Liêm, Bộ LĐTB&XH và UBND TP Hà Nội chính thức triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2013 với chủ để "Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số". Ông Nguyễn Trọng An cho biết: Hiện cả nước có khoảng 3 triệu trẻ em nghèo theo chuẩn hộ nghèo và 7 triệu trẻ em nghèo đa chiều theo tiêu chí không đảm bảo ít nhất 3/8 nhu cầu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, điều kiện vệ sinh, không lao động sớm... Tháng hành động vì trẻ em năm nay là một sự kiện mang tính cao trào, nhằm huy động toàn xã hội chung tay góp sức để trẻ em có cơ hội phát triển bình đẳng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguy cơ làm gia tăng số lượng trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.