Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, hội nhập mang lại những cơ hội, nhưng không ít thách thức đối với lao động Việt Nam. Vì thế, đẩy mạnh hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm sẽ giúp người lao động (NLĐ) có cơ hội tìm việc cũng như nâng cao tay nghề.
Đẩy mạnh hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm
Tại cuộc đối thoại trực tuyến “Hỗ trợ việc làm trong quá trình hội nhập” diễn ra sáng 31/3, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, quá trình hội nhập, sẽ có một bộ phận NLĐ thất nghiệp do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh hoặc do lần đầu tiên tham gia thị trường lao động. “Bộ LĐTB&XH đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với nhiều hình thức. Trong đó, tập trung tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách và quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHTN: được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí; duy trì việc làm, được bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc…” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin. Đặc biệt còn hỗ trợ các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức hoạt động của sàn giao dịch, cung cấp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp sớm tìm được chỗ làm mới.
Người lao động nên chủ động tìm hiểu kỹ về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
|
‘‘Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phải có sự kết nối giữa DN và NLĐ cũng như có những thông tin dữ liệu để cung cấp cho hai bên. Hệ thống này không chỉ có sự liên kết, chia sẻ thông tin ở trong tỉnh mà cả ở bên ngoài để NLĐ đến từ tỉnh khác có thể tham gia tìm việc. Bộ LĐTB&XH sẽ có những dự báo dài hạn về nhu cầu thị trường lao động, các ngành nghề ở trong nước và khu vực đang cần. Hy vọng, những việc làm này sẽ thay đổi nhận thức và tạo chuyển biến trong chọn ngành nghề để học. Thực tế hiện nay, việc tuyển sinh đi học nghề đã có những tiến triển’’ - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc
Thực tế hiện nay, nhiều NLĐ khi bị mất việc chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp, mà quên mất mình có quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí - giá trị của chính sách BHTN. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Diệp, số người được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm thấp chỉ diễn ra ở những năm đầu triển khai chính sách BHTN. Đến nay, sau 7 năm thực hiện, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm chiếm gần 90% và hỗ trợ học nghề tăng nhanh, năm 2015 là 24.363 người, tăng 23% so với năm 2014. “Nhiều lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm mục đích để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng sau khi được tư vấn đã nhận việc làm mới hoặc tham gia học nghề để nhanh chóng tìm được việc làm” – ông Diệp cho biết.
Tuy vậy, số người được hỗ trợ học nghề khi tham gia BHTN vẫn còn thấp so với tổng số được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quan điểm của nhà quản lý, bởi đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn, không có nguồn dự trữ, nên họ chỉ quan tâm đến hưởng trợ cấp. Nhiều người trong số họ có tâm lý muốn dành thời gian tìm kiếm công việc khác để duy trì cuộc sống, rồi mới tính đến học nghề. Mặt khác, các công ty ở khu công nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông, NLĐ có xu hướng chuyển về địa phương tìm việc mới nên không có nhu cầu học nghề.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tăng cường tuyên truyền chính sách BHTN nói chung và tuyên truyền về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề nói riêng. Cùng với đó sẽ cải cách trình tự, thủ tục hỗ trợ để tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho NLĐ tham gia BHTN. Bộ sẽ rà soát hệ thống chính sách các trung tâm dịch vụ việc làm để có đội ngũ cán bộ tư vấn làm việc chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khuyên NLĐ tham gia BHTN đầy đủ; chủ động tìm hiểu các quy định của BHTN. Cùng với đó là tận dụng chính sách hỗ trợ thất nghiệp để sớm có việc làm, giữ chỗ làm việc và thăng tiến trong công việc. Còn chủ sử dụng lao động tham gia và đóng BHTN theo đúng quy định. Đặc biệt, tuyên truyền chính sách BHTN cho NLĐ cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định về BHTN.