Mặc dù sau khi ban hành, Bộ Công Thương cũng đã có những giải trình về việc ban hành danh mục những hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại như: Danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn ĐQNN; phù hợp với cam kết quốc tế; là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát... song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đặt ra danh mục mặt hàng ĐQNN đang trở thành "tư duy níu kéo lại quyền cho DNNN".
Bởi, nếu coi tư nhân làm động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng lại có tới 20 ngành nghề chỉ dành cho DNNN thì liệu có cản trở sự phát triển của nền kinh tế, những lĩnh vực không mang tính chất nhạy cảm hoặc không có lý do gì thuyết phục thì giữ lại cho DN Nhà nước làm. Mặt khác, các ý kiến đều cho rằng nếu dự thảo này được phê duyệt, sẽ làm cho thị trường kém minh bạch hơn.
Theo LS Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Dự thảo chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Thương mại 2005. Bởi Luật cho phép quy định danh mục độc quyền Nhà nước, nhưng phải có thời hạn, trong khi dự thảo Nghị định chưa quy định về thời hạn.
Bên cạnh đó, danh mục 20 ngành nghề cụ thể cũng chưa thuyết phục, trái với Luật DN, Luật Đầu tư 2014 và Bộ Luật dân sự 2015 về quyền tự do kinh doanh. Hơn nữa trong Luật DN chỉ cấm DN không được đầu tư kinh doanh trong 7 ngành, nghề theo quy định tại Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”, còn lại DN được tự do đầu tư kinh doanh hoặc khi đáp ứng được các điều kiện đối với 243 ngành, nghề theo quy định tại Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.“Với một số ngành Nhà nước giữ độc quyền thì có thể áp dụng hình thức Điều kiện kinh doanh. Vấn đề là cơ quan quản lý có các biện pháp kiểm tra, giám sát như thế nào” – LS Tùng nói.
Đồng thời cho rằng, có thể vì những lý do trước mắt, ngắn hạn, trong một thời điểm nào đó có thể cấm tư nhân tham gia, nhưng về lâu dài, không nên cấm tư nhân trong những ngành như vậy.
Luật sư cho biết thêm, đề xuất này chưa thực sự phù hợp và có vẻ đang đi ngược lại thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách trong công cuộc hội nhập và phát triển kinh tế của quốc gia. Trong danh mục này chỉ nên giữ lại những ngành nghề quốc phòng, an ninh