Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều lợi ích từ việc sử dụng chung công trình ngầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hà Nội thực hiện cho thuê sử dụng chung công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đô thị với giá khá rẻ, không chỉ khiến các DN vui mừng, mà đây còn được coi là một trong những biện pháp dọn rác “trời”.

Các nhà mạng và DN truyền hình đã bày tỏ mong muốn mức giá này sẽ được áp dụng trong vòng 10 - 15 năm tới để đảm bảo tính ổn định và hợp lý cho các đơn vị.

Doanh nghiệp ủng hộ

Ngày 12/8/2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4252/QĐ-UBND về giá cho thuê (tạm thời) công trình ngầm HTKT đô thị sử dụng chung (bao gồm tuy nen, hào, cống bể kỹ thuật) trên địa bàn TP. Theo đánh giá của 15 cơ quan, DN ký kết thuê công trình ngầm ngày 17/3, bảng giá cho thuê này khá rẻ, “vừa túi” các đơn vị.

Ông Đỗ Việt Hưng - Giám đốc Viettel Hà Nội, đơn vị có nhiều tuyến thuê nhất (32 tuyến) chia sẻ: “Các DN rất vui vì được thuê của TP với mức giá thấp. Tuy nhiên, mức giá này cần ổn định trong thời gian dài để DN yên tâm”. Cũng theo ông Hưng, Viettel đang muốn triển khai đầu tư xây dựng công trình hạ ngầm kỹ thuật với tổng chiều dài trên 300km ở 3 quận nội thành. Vì thế, DN rất mong Sở TT&TT sẽ có văn bản hướng dẫn để các DN đăng ký xây dựng công trình ngầm dùng chung trên địa bàn TP: “Sở cần giữ vai trò “cầm trịch” để DN mạnh dạn đầu tư phát triển hạ tầng ngầm dùng chung. Viettel và các DN luôn sẵn sàng chia sẻ phần hạ tầng mà chúng tôi đã đầu tư”.
Các doanh nghiệp sẽ được thuê sử dụng công trình ngầm với giá rẻ.            Ảnh:  Nguyễn Linh
Các doanh nghiệp sẽ được thuê sử dụng công trình ngầm với giá rẻ. Ảnh: Nguyễn Linh
Đồng quan điểm, đại diện VNPT Hà Nội, Truyền hình Cáp Việt Nam và Truyền hình Cáp Hà Nội cho biết, rất ủng hộ việc TP ban hành bảng giá cho thuê hạ tầng ngầm, đơn giá này đã giúp tháo gỡ khó khăn cho các DN đang phải thuê HTKT ngầm hiện nay. Ngoài ra, hiện nay, VNPT Hà Nội vẫn còn bỏ trống hạ tầng ở một số tuyến phố. “Đây là phần hạ tầng được VNPT đầu tư để đón trước sự phát triển của DN, tuy nhiên nếu TP có văn bản yêu cầu ở các tuyến cụ thể, chúng tôi sẽ báo cáo lên Tập đoàn để cho phép đấu nối với hạ tầng dùng chung của TP thực hiện nghiêm túc chủ trương hạ ngầm” – đại diện VNPT Hà Nội nói.

Được biết, trong năm 2014, Sở TT&TT Hà Nội đã tiếp nhận bàn giao và đưa vào quản lý, duy trì 45 công trình ngầm HTKT đô thị sử dụng chung trên địa bàn TP từ UBND các quận, Ban quản lý dự án của các quận, Ban quản lý dự án của các sở chuyên ngành. Tổng chiều dài tuyến hào tuynel, cống bể kỹ thuật quản lý 110,2km nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ và Hà Đông.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với 18 cơ quan, đơn vị và DN kiểm tra, kiểm đếm và thanh thải những sợi cáp thừa, cáp không sử dụng trong lòng bể cáp tại 32 công trình ngầm HTKT đô thị sử dụng chung trên địa bàn TP do Sở TT&TT quản lý với tổng chiều dài trên 996,614km cáp các loại. Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT cho biết, hiệu suất sử dụng các công trình ngầm HTKT đô thị sử dụng chung ước đạt khoảng 90% công suất theo thiết kế (đối với các tuyến phố trong đô thị).

Tạo điều kiện thuận lợi

Ghi nhận các ý kiến của DN, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, TP có quy hoạch đến năm 2020 là ngầm hóa 90% công trình HTKT ở nội thành và 70 - 80% ở khu vực ngoại thành.

TP cũng đã ban hành nhiều văn bản về hạ ngầm công trình HTKT để tổ chức lắp đặt công trình đảm bảo kỹ thuật, tạo điều kiện để DN thuận lợi phát triển hạ tầng. Trong năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” nên sẽ quyết liệt thực hiện kiểm tra, kiểm đếm tại hiện trường các đường dây, cáp lắp đặt, kiểm tra các đơn vị lắp đặt mới, sắp xếp đường dây đi nổi và xử lý theo quy định. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tổ chức, rà soát, kiểm đếm tại hiện trường các đường dây, cáp đã lắp đặt vào công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung theo các biên bản khối lượng đã kiểm đếm.

Trước kiến nghị của đại diện Viettel Hà Nội về việc cần có văn bản hướng dẫn để các DN đăng ký xây dựng công trình ngầm dùng chung, bà Tú khẳng định, trong tháng 4, Sở sẽ có văn bản chính thức gửi các đơn vị đăng ký xây dựng công trình ngầm dùng chung trên địa bàn TP và sẽ thống nhất việc sử dụng chung hạ tầng công trình ngầm kỹ thuật do DN đầu tư để đảm bảo thuận lợi cho tất cả các DN. Liên quan tới đơn giá mà TP đã ban hành, lãnh đạo Sở TT&TT cho biết, bảng giá này sẽ có tính ổn định để các DN yên tâm thuê hạ tầng lâu dài.