Cái thiếu đó là sự chung tay của cộng đồng, của chính quyền trong việc giữ gìn quỹ đất, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để những sân chơi trở về đúng với chức năng vốn có.
Bổ sung quỹ đất để làm sân chơi khi có thể là việc làm cần thiết cho tương lai lâu dài của một đô thị. Nhưng hơn hết và phải làm ngay đó là giữ lấy và phát huy những "ốc đảo xanh" trong lòng đô thị cho trẻ em.
Đã có những lúc lãng quên
Chia sẻ những điều trăn trở về sân chơi ở Hà Nội, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam trở về với hoài niệm quãng thời gian cực kỳ khó khăn của đất nước: Chúng ta phải ăn bo bo, mặc áo vải thô, cầm tem phiếu mua từng cái lốp xe. Sân chơi cho trẻ em đã bị lãng quên trong thời gian đó. Cái sự lãng quên đó là có lý do. Thời kỳ chiến tranh khốc liệt, chúng ta phải đi sơ tán, lúc đó phải lo an toàn cho trẻ em, chứ nào nghĩ đến được việc chơi. Đi đâu cũng phải kè kè cái mũ rơm. Thế nhưng, vào lúc đó, Hà Nội đã dành khoản tiền rất lớn để làm Cung Thiếu nhi Hà Nội. Đến bây giờ chưa một TP nào có được Cung thiếu nhi đẹp hơn của Hà Nội, có thể sang hơn, to hơn nhưng không thể đẹp hơn.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng: Chúng ta có lỗi, người lớn đã quên trẻ con từ lúc nào? Đó là từ khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường, kéo theo nhiều vấn đề. Trong Luật Trẻ em có nêu rõ, trẻ em có quyền vui chơi. Vậy trẻ em chơi như thế nào? Chúng ta không khuyến khích trẻ em chơi trên hè phố. Để trẻ em chơi trên hè phố là coi thường tính mạng con trẻ. Ngày xưa, những năm 1970, trẻ em chơi trên đường phố và bây giờ cái thuở đó được nhiều người nhớ lại như một hoài niệm. Nhưng cần nhớ rằng lúc đó chưa có ô tô, chỉ vài cái xe biển xanh, biển đỏ, còn lại là xe đạp. Giao thông đô thị lúc đó rất ít, dân cư thưa thớt.
Cần sự chung tay
Cùng chung quan điểm Hà Nội có rất nhiều chỗ để chơi cho trẻ em như khẳng định của KTS Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở QH - KT Bùi Xuân Tùng cho rằng, thực ra, các sân chơi vẫn hiện hữu cả đấy nhưng vấn đề là người lớn có quan tâm hay không và phải có một cơ chế phù hợp. Sân chơi - đó không phải là thứ cần đến nhiều tiền, mà cần sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng. Vấn đề chính là duy trì sân chơi như thế nào.
Ông Tùng phân tích, cho đến nay, ở Hà Nội, nhìn chung sân chơi tồn tại trong các khu chung cư, khu tập thể là chính, đó chính là khoảng không gian giữa các tòa nhà. Có những giai đoạn, công tác quản lý đã bị buông lỏng, sân chơi biến thành nơi gửi xe, hàng quán. Việc cần làm là trả sân chơi về đúng với mục đích ban đầu của nó. Còn nếu nói Hà Nội không có sân chơi là không đúng, mà TP đã có những sân chơi và cần phải khôi phục lại. Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện chương trình xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ. Quan điểm đang được TP hướng đến là khi cải tạo thì mật độ phải thu nhỏ lại và nâng cao tầng. Theo phương thức này thì sẽ có những diện tích đất dôi dư. Quỹ đất này được sử dụng vào các mục đích khác nhau để phục vụ cộng đồng, trong đó sân chơi là một trong những mục tiêu quan trọng.
“Có nhiều việc đang được triển khai để khôi phục, phát triển, nhân rộng sân chơi cho trẻ em. Nhưng tôi nghĩ, tất cả những cái đó cũng chưa phải là đủ, mà cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, để cộng đồng xã hội chung tay, tham gia cùng đầu tư, tham gia cùng quản lý, duy trì sân chơi. Ai là người trông nom, quản lý, duy trì các sân chơi? Không ai khác ngoài cộng đồng vì sân chơi tạo ra chỗ vui chơi cho chính con em chúng ta. Nếu cộng đồng không tham gia thì bất cứ mô hình nào cũng thất bại” - ông Tùng chia sẻ.
Trẻ em chơi bóng trước sân chung cư Thăng Long Garden Minh Khai. Ảnh: Hải Linh
|
Trong cơ chế chính sách, yêu cầu đối với một khu chung cư là phải có thiết chế xây dựng sân chơi cho trẻ em. Nhưng trong quy chuẩn chỉ nêu một cách chung chung với một khu đô thị có bình quân 2m2 cây xanh một đầu người và cũng chỉ nhắc đến sân chơi. Còn sân chơi như thế nào, tỷ lệ, bình quân thì không quy định. Về vấn đề này, Sở QH - KT Hà Nội đã đề xuất với Bộ Xây dựng cần bổ sung yêu cầu về thiết kế sân chơi thật cụ thể trong các khu vực phát triển đô thị, thành quy chuẩn rõ ràng. |
Hà Nội vốn là TP có nhiều vườn hoa, sân chơi khu dân cư, nhưng gần đây, những không gian này bị lấn chiếm, thiếu duy tu và ít được xây dựng mới, trong khi dân số lại tăng nhanh dẫn đến thiếu hụt. Theo tư liệu bản đồ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và cuốn sách “Hà Nội: 10 thế kỷ đô thị hóa”, các khu nhà ở được xây dựng trong giai đoạn 1955 - 1985 luôn dành 50 - 60% diện tích cho cây xanh và sân chơi, sân chung, lối đi trong khu dân cư. |