Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá điện tăng 5%, giá xăng dầu được điều chỉnh lần thứ 4 trong vòng 30 ngày, 1/9 giá gas tăng thêm 50.000 đồng/bình 12 kg… điều đó đã khiến hàng loạt mặt hàng thực phẩm tăng giá, trong đó rau xanh là mặt hàng tăng mạnh nhất.

Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Kim Liên, chợ Nghĩa Tân giá các loại rau đã tăng từ 1.000 - 6.000 đồng/mớ, gà ta tăng 10.000 đồng/kg, gà công nghiệp mổ sẵn tăng 5.000 đồng/kg, trứng gà - vịt tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/chục… Các mặt hàng thủy sản cũng tăng thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg...

Những người bán hàng phân trần: Sức mua xuống thấp không ai muốn tăng giá bán, nhưng giá xăng tăng, chi phí vận chuyển đang nhích lên, khiến giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Bên cạnh đó, do thời tiết lúc mưa, lúc nắng khiến rau bị thối, hỏng rất nhiều nguồn cung không ổn định cũng khiến giá rau tăng mạnh. Giá thực phẩm đang chịu ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng lên. Mỗi khâu trung gian đều tự động cộng thêm tiền cước vận chuyển khi xăng tăng giá. Từ nơi sản xuất đến chợ, qua 4 - 5 khâu trung gian, mỗi khâu tăng một ít, giá thực phẩm tăng thêm vài ngàn đồng là điều không khó hiểu.

Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá - Ảnh 1

Trái với việc giá thực phẩm tại các chợ đã tăng, trong hệ thống siêu thị việc tăng giá hàng hóa chưa xay ra.

Theo lý giải của một số siêu thị, việc điều chỉnh giá các mặt hàng phụ thuộc vào sức mua, nguồn cung, thời tiết nên cũng luôn có độ "trễ" nhất định. Bên cạnh đó, việc cung ứng hàng vào siêu thị phải theo kế hoạch, hợp đồng, kiểm duyệt chất lượng nên nhà cung cấp không thể "thích" tăng giá lúc nào cũng được. Không chỉ có vậy, để ổn định giá bán trong điều kiện sức mua giảm như hiện nay, một số siêu thị đã chủ động gửi thư cho các nhà cung cấp đề nghị không tăng giá do sức mua đang rất yếu, nếu nhà cung cấp nào yêu cầu tăng giá bất hợp lý sẽ tìm nhà cung cấp mới thay thế.

Mặc dù các siêu thị đã có nhiều cố gắng trong việc hạn chế tăng giá nhưng ông Phan Bội Ngọc, Giám đốc Công ty Lan Chi Mart, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Lan Chi (Hà Nội) cũng cảnh báo, cuối tháng 8 vừa qua giá xăng tăng thêm 650 đồng/lít, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ tính toán lại chi phí, từ đó có quyết định tăng giá hay không, rất có thể cuối tháng 9, một số mặt hàng sẽ tăng giá.

Bà Nguyễn Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: Việc điều chỉnh tăng giá xăng, điện, gas và trong đó có mặt hàng xăng còn được thu hẹp biên độ về thời gian điều chỉnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cũng như người tiêu dùng. Để kiểm soát tốt vấn đề giá cả, hiện lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường thực hiện kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết các mặt hàng tại các chợ trên địa bàn.