Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ngân hàng chưa thu phí

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày thứ Sáu tuần qua, 1/3/2013, việc thu phí rút tiền nội mang qua máy ATM chính thức được áp dụng, khởi động cho việc thu phí ATM tăng dần theo từng năm theo Thông tư quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hàng. In sao kê sẽ mất cao nhất là 800 đồng/lần; phí rút tiền nội mạng tối đa là 1.000 đồng/giao dịch

Từ ngày 1/3 phí rút tiền mặt trong hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 1.100 đồng mỗi giao dịch (đã tính VAT). Với thẻ Vietcombank Connect 24, ngân hàng này cũng thu thêm phí truy vấn số dư, in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản 550 đồng, phí chuyển khoản với loại thẻ này tăng lên 5.500 đồng, thay vì hơn 3.300 đồng như hiện nay.
 
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) cho biết, từ ngày 1/3, nhà băng này triển khai thu phí giao dịch ATM nội mạng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, để tri ân khách hàng, BIDV tạm thời sẽ miễn phí rút tiền nội mạng trong 2 tháng, từ 1/3 đến hết ngày 30/4.
 
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) thu phí rút tiền nội mạng với mức thu thấp hơn quy định tối đa một chút, tức 1.000 đồng cho một giao dịch, đã tính thuế VAT. Tuy vậy, Agribank đang có khoảng hơn 10 triệu thẻ trên thị trường cho biết sẽ thu phí từ ngày 15/3 thay vì 1/3.
 
Nhiều ngân hàng chưa thu phí - Ảnh 1
 
Dù ủng hộ chủ trương thu phí giao dịch ATM nội mạng, DongA Bank (phát hành 6 triệu thẻ )vẫn tạm thời chưa thu loại phí này để tăng thêm hỗ trợ đối với khách hàng. Trước đó, ngay khi Thông tư 35 được ban hành, nhiều nhà băng như Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Nam Á và Ngân hàng Phát Triển Mê Kông (MDB) cũng cho biết duy trì chính sách miễn phí với các giao dịch ATM.
 
Còn hầu hết các ngân hàng chiếm thị phần thẻ không nhiều như SHB, TienPhong Bank, BaoVietBank, NamA Bank, MDB... đều tuyên bố tiếp tục bù lỗ và miễn phí giao dịch ATM. Theo lãnh đạo TienPhong Bank, việc thu phí nội mạng không có bất kỳ khó khăn và sẽ có một khoản không nhỏ, nhưng để mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng thẻ, ngân hàng vẫn không thu phí và mở rộng hệ thống thanh toán POS. Còn BaoViet Bank cho biết sẽ nâng hạn mức rút tiền mỗi giao dịch lên lần lượt 3, 5 và 15 triệu đồng tuỳ hạng thẻ.  
 
Như vậy, chỉ có một tỉ lệ nhỏ các ngân hàng bắt đầu tiến hành thu phí giao dịch ATM nội mạng kể từ ngày 1/3. Trong số 34 ngân hàng đã báo cáo NHNN về biểu phí ATM mới, 22 đơn vị cho biết chưa thu phí nội mạng dù đã được bật đèn xanh. Vì sao?
 
Đấu tranh nhiều năm để được thu phí rút tiền nội mạng, nhưng khi được NHNN đồng ý, các NH lại sợ mất khách hàng. Lo ngại việc khách hàng phản ứng khi bị thu phí, theo đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho biết, nên rất nhiều ngân hàng không thu phí, những ngân hàng có lượng thẻ lớn thu phí cũng thu ở mức thấp. Song song với thu phí rút tiền nội mạng, nhiều NH lớn cũng thiết lập hạn mức rút tiền riêng cho chủ thẻ của NH mình và NH bạn nhằm tăng tính cạnh tranh. Tại Vietcombank, chủ thẻ của chính NH rút được tối đa 5 triệu đồng/lần nhưng chủ thẻ của NH bạn chỉ rút được tối đa 2 triệu đồng/lần, bằng với mức tối thiểu cho phép của NHNN. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các NH lớn khác. Với việc khống chế hạn mức rút tiền 2 triệu đồng/lần, nếu cần rút 5 triệu đồng các chủ thẻ của NH khác sẽ phải chia ra làm ba giao dịch, mất 9.900 đồng trong khi chủ thẻ “ chính chủ” của NH lớn sẽ chỉ mất có 1.000 đồng. Đây không chỉ là cách các NH lớn tận thu thêm tiền từ chủ thẻ các NH nhỏ, mà còn có chủ ý để chủ thẻ các NH nhỏ không được “bao cấp” phí sẽ cảm thấy bất lợi và chuyển sang sử dụng thẻ của mình.
 
Lỗ hay lãi?
 
Hiệp hội Thẻ cho biết, sau 15 năm phát triển ATM ở Việt Nam, lần này thu phí rút tiền nội mạng là đến lúc phải làm vì các NH đang thua lỗ nặng vì ATM. Bởi các ngân hàng phải đầu tư số tiền lên đến cả tỷ đồng để xây dựng cây ATM, cộng các chi phí bảo dưỡng thay thế thiết bị, điện... khoảng mấy chục triệu mỗi tháng;  hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống máy chủ, thiết bị điều khiển trung tâm vận hành hệ thống. Cùng với đó, NH còn phải trả lương đội ngũ nhân viên cả nghìn người phục vụ trên toàn hệ thống thẻ ATM với chi phí lương cũng khoảng chục tỷ đồng mỗi tháng…. Hệ thống cây ATM lâu nay hoạt động mà chưa thu phí, NH cũng không thu lợi từ các dịch vụ đó mà chấp nhận lỗ để cạnh tranh cải thiện thương hiệu , mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh thị phần… Bởi vậy, bây giờ khách hàng phải chia sẻ với một phần phí để NH có điều kiện đầu tư và đa dạng hóa hơn các sản phẩm dịch vụ NH cần có thêm nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư phục vụ người dùng được tốt hơn...
 
Con toán lỗ lãi thật hư thực, bởi theo số liệu từ NHNN và Hiệp hội thẻ Việt Nam mới công bố, đến cuối tháng 6/2012, toàn hệ thống có gần 40 triệu thẻ ( chính xác là 37,7 triệu tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ ATM), với trên 90% là thẻ thanh toán nội địa và tổng số tiền để trong đó gần 70.000 tỷ đồng. Số tiền này lại chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 2% một năm trong khi với nghiệp vụ cho vay qua đêm, NH hoàn toàn kiếm được mức lãi suất cao gấp hàng chục lần.
 
Nếu chỉ cần tính với mức tiền gửi tiết kiệm 9%/năm như các ngân hàng thương mại đang huy động, mỗi năm chủ tài khoản thẻ đã chịu thiệt một số tiền khổng lồ, lên đến khoảng 4.900 tỷ đồng. Nếu lấy số tiền ngân hàng được lợi từ các chủ tài khoản thẻ trên đem chia đều cho 13.920 cây ATM hiện có, bình quân mỗi cây ATM một năm đã cho ngân hàng thu lợi trên 350 triệu đồng!
 
Cả nước hiện có 50 NH thương mại cung cấp dịch vụ thẻ. Số lượng thẻ đã phát hành là hơn 50 triệu, số máy ATM đã lắp đặt là 14.200, số thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) là 124.000 máy. Tuy nhiên,  theo thống kê, người dân trong tổng số thẻ ATM, trong đó không ít người sở hữu tới 4-5 thẻ, nhưng lại chỉ để trong ví cho ... oai chứ không sử dụng. Có rất nhiều người kể từ khi nhận thẻ đến khi hết hạn đã không sử dụng một lần nào.Các NH cạnh tranh ồ ạt phát hành thẻ dẫn đến tình trạng thẻ nhiều như sim rác. Theo ước tính của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, có tới 40-50% số thẻ trên thị trường hiện nay là thẻ rác.
 
Hiệp hội Thẻ cũng cho biết gần như 70-80% lượng giao dịch chỉ để rút tiền. Theo số liệu của NHNN, trong năm 2012, giao dịch ATM lên tới 127,5 triệu lượt, tương đương giá trị gần 125.000 tỉ đồng. Trong khi giao dịch ở các điểm POS và thanh toán khác chưa đầy 100.000 giao dịch, tương ứng giá trị gần 29.000 tỷ đồng. 
Đó là chưa kể chủ của số thẻ ATM trên đã thực hiện gần 130 triệu giao dịch thanh toán, với tổng giá trị giao dịch đạt gần 200.000 tỷ đồng, thu về cho các ngân hàng khoản phí không nhỏ từ các giao dịch liên mạng.
 
Và theo tính toán của chuyên gia về tài chính - ngân hàng, đầu tư mỗi máy ATM trị giá khoảng 17.000 - 20.000 USD, cộng chi phí thuê chỗ lắp đặt, camera an ninh... một buồng ATM cũng chỉ cần vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Nếu tính khấu hao nhanh ở mức 5 năm, mỗi năm chi phí cho khoản khấu hao của một buồng ATM hết chừng 100 triệu đồng. Còn lại 250 triệu đồng, đem trừ đi các khoản chi phí vận hành khác, ngân hàng sở hữu sẽ vẫn còn lãi không nhỏ.
 
Chưa kể đến hơn chục loại phí mà các chủ thẻ đang phải trả khi sử dụng dịch vụ này. Đó là phí phát hành thẻ lần đầu, phí phát hành lại thẻ bị mất, phí cung cấp lại mã PIN, phí đổi mã PIN, phí quản lý tài khoản thẻ, phí chuyển khoản ngoại mạng, phí rút tiền ngoại mạng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê, phí trả lại thẻ bị nuốt tại máy ATM, phí cung cấp bản sao hóa đơn tại đơn vị chấp nhận thẻ của ngân hàng khác, phí phát hành thay thế thẻ hết hạn, phí dịch vụ phát hành thẻ nhanh theo yêu cầu, phí báo tin nhắn số dư tài khoản, phí sử dụng dịch vụ e-banking… Đấy còn là khoản phí 2.000 đồng khi đổ lương vào tài khoản thẻ mà ít thấy ai nhắc đến!?
 
 
Dư luận trái chiều
 
Trong khi các ngân hàng cứ luôn than lỗ, đầu tư cho ATM không hiệu quả nhưng so với khoản lợi nhuận kể trên là điều hết sức mâu thuẫn. Với ưu thế này, lẽ ra ngành NH phải lo nâng cấp chất lượng dịch vụ cho tương xứng thì ngược lại, tiếp tục thu thêm phí rút tiền nội mạng cũng như tăng phí một số loại dịch vụ khác. NH thừa hưởng lợi rồi, khách hàng không cần, không đáng phải trả phí rút giao dịch bằng thẻ ATM nữa.
 
Đã là dịch vụ thì đều phải mất phí nhưng vấn đề là người dân mong mỏi chất lượng dịch vụ cũng tương xứng với chi phí họ bỏ ra. Việc người sử dụng thẻ than phiền về chất lượng máy ATM như kẹt tiền, hay nhả tiền rách, nát đã không còn là ít. Máy ATM hay trục trặc, khách hàng thường xuyên gặp cảnh từ chối giao dịch, hết tiền, các cây ATM còn kén thẻ… “Giao dịch tạm thời bị gián đoạn. Thành thật xin lỗi quý khách”. Thông báo này từ các máy ATM là nỗi ám ảnh đối với người dùng thẻ. Thậm chí, tình cảnh rồng rắn xếp hàng trước cây ATM tại nhiều nơi liên tục tái diễn.
 
Nhiều ngân hàng chưa thu phí - Ảnh 2
 
Phần lớn người lao động làm công ăn lương được trả tiền công vào thẻ không hề muốn trả lương vào tài khoản để rồi phải nhiều lần đi không lĩnh được tiền vì những lý do hết sức “ trời ơi đất hỡi” như vậy. Như chi Dương Thu Hoaig công nhân khu công nghiệp Quang Minh, Đông Anh, Từ Liêm, Hà Nội cho biết tiền lương mỗi tháng dược 2, 3 triệu đồng nhưng không bao giờ dám rút hết một lần. Khi công ty trả lương, chị rút một phần để trả tiền nhà trọ, sau đó mỗi tuần rút 100.000 - 200.000 đồng để chi tiêu mà đến khi tan ca, đợi xếp hàng phải mất hàng tiếng đồng hồ, nhiều khi máy trục trặc chỉ còn cách vay mượn tạm của bạn bè. Nay mỗi lần rút sẽ mất thêm một khoản, đối với công nhân như chị là chuyện không hề nhỏ.
 
Trong quan hệ kinh tế, khách hàng sử dụng dịch vụ phải trả phí là hiển nhiên nhưng các NH thương mại lâu nay đã hưởng lợi quá nhiều từ tiền gửi của hàng chục triệu khách hàng trong các tài khoản thẻ ATM, nay lại còn thu thêm phí giao dịch nội mạng nhưng liệu có được hưởng dịch vụ thỏa đáng? Với thẻ ATM, sinh viên, công nhân, người nhận lương qua thẻ... có thể để dành tiền lương của mình trong thẻ và chỉ rút ra khi cần song với mức phí mới này, nhiều khả năng chủ thẻ sẽ quay lại giữ tiền mặt, chỉ rút một lần toàn bộ tiền lương và có thể sau lần thay đổi các loại phí thu qua ATM lần này, thì liệu người dân có quay lại sử dụng tiền mặt để thanh toán để tránh chịu nhiều loại phí từ ngân hàng? Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu thu phí mà chất lượng dịch vụ tiếp tục tệ như hiện nay thì chính các NH sẽ thiệt.