Gần một năm kể từ cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng tài chính toàn cầu, dẫn đến sự sụp đổ của 3 tổ chức cho vay tại Mỹ và trường hợp tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse tại châu Âu, một "cơn gió lạnh" mới đang tràn qua các ngân hàng ở New York, Tokyo và Zurich.
Hôm 31/1, cổ phiếu của New York Community Bancorp đã giảm 38% sau khi báo cáo khoản lỗ 252 triệu USD trong quý vừa qua. Ngân hàng đã dành 552 triệu USD trong quý 4 để bù đắp các khoản lỗ cho vay, tăng từ 62 triệu USD trong quý trước. Tình trạng này được thúc đẩy một phần bởi khoản lỗ dự kiến đối với vốn vay cho một dự án tòa nhà văn phòng.
Tổ chức cho vay đã kéo Chỉ số Ngân hàng Khu vực KBW giảm 6% hôm thứ Tư, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 5 năm ngoái - trùng với thời điểm First Republic có trụ sở tại California trở thành ngân hàng Mỹ thứ 3 phá sản vào năm ngoái.
Chỉ số này tiếp tục trượt dốc vào thứ Năm và giảm 4,8% do cổ phiếu của NYCB cũng như các ngân hàng khu vực khác bị lỗ nặng. Cổ phiếu của NYCB giảm gần 13%, Banc of California 8% và BankUnited 8%.
Trong báo cáo thu nhập của mình, một phần lớn khoản lỗ của NYCB liên quan đến các tòa nhà văn phòng. Giám đốc điều hành Thomas Cangemi đã đề cập đến "những điểm yếu chung của văn phòng trên khắp đất nước" trong cuộc gọi trao đổi với các nhà đầu tư.
Kể từ tình trạng hỗn loạn vào mùa Xuân năm ngoái, các nhà đầu tư và cơ quan quản lý đã cảnh giác cao độ trước những căng thẳng mới giữa các ngân hàng, tập trung vào các khoản vay đối với thị trường bất động sản thương mại đang suy yếu.
Giá trị của nhiều tòa nhà đã giảm mạnh do hàng triệu công nhân phải làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, khiến một lượng lớn không gian văn phòng bị bỏ trống hoặc không được sử dụng. Đồng thời, lãi suất cao trong lịch sử đã khiến các nhà phát triển bất động sản - khách hàng của những khoản vay lớn - gặp khó khăn hơn trong việc hoàn trả các khoản nợ của mình.
Hôm 2/1, Ngân hàng Aozora của Nhật Bản cũng cho biết khoản nợ xấu liên quan đến các văn phòng ở Mỹ là một phần nguyên nhân dẫn đến mức lỗ hàng năm dự kiến là 28 tỷ yên (190 triệu USD) vào năm ngoái. Tổ chức cho vay trước đây dự kiến sẽ kiếm được lợi nhuận ròng 24 tỷ yên (160 triệu USD). Tin tức này đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc hơn 21%.
Aozora cho biết sẽ mất một hoặc hai năm nữa để thị trường văn phòng Mỹ ổn định trở lại, khi có nhiều người quay lại làm việc trực tiếp hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Tổn thất cũng đang gia tăng ở châu Âu. Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ và nhà quản lý tài sản Julius Baer hôm thứ Năm thông báo lợi nhuận đã điều chỉnh của họ đã giảm 55% vào năm ngoái, do mất 586 triệu franc Thụy Sĩ (680 triệu USD) cho các khoản vay đối với "một tập đoàn châu Âu". Giám đốc điều hành Philipp Rickenbacher đã tuyên bố từ chức sau những thua lỗ.
Julius Baer đã giấu tên công ty được cho vay. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, công ty đó là Signa Group, một nhà phát triển bất động sản Áo. Vào năm 2019, Signa Group đã mua một phần tòa nhà Chrysler mang tính biểu tượng của New York. Một số công ty con của Signa Group đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 12/2023.
Ngân hàng cho vay lớn nhất Đức Deutsche Bank hôm 1/2 nói rằng họ đã phân bổ 123 triệu euro (133 triệu USD) trong quý vừa qua để giải quyết các khoản nợ tiềm ẩn đối với những khoản vay bất động sản thương mại tại Mỹ. Con số này cao hơn gấp 4 lần số tiền mà ngân hàng Đức dành ra trong cùng kỳ năm 2022.