Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều nhà đầu tư BOT vẫn bất chấp rủi ro

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Ủy ban Tài chính của Quốc hội cho rằng hiện có 3 rủi ro của các nhà đầu tư tư nhân tại các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp rủi ro để đầu tư.

Ngày 13/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam” với sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã, đại diện Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, các chuyên gia kinh tế.
 Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư theo hình thức BOT đã bộc lộ rất nhiều vấn đề về chất lượng công trình
Buổi tọa đàm tập trung thảo luận vào các chủ đề như: Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 13 của Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Giới thiệu lại Nghị quyết, bối cảnh ra đời, quá trình triển khai, kết quả đạt được; Tình hình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam hiện nay. So với yêu cầu phát triển thì hạ tầng đang ở tình trạng như thế nào; Làm thế nào để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong giai đoạn mới; Tình hình thu hút đầu tư tư nhân, FDI vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải nói chung...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, nhu cầu về nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam rất lớn. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ trương xã hội hóa là một trong những giải pháp quan trọng để kêu gọi nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP).
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng nhu cầu về sử dụng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng luôn vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 và sẽ còn tiếp tục trong quá trình công nghiệp hoá của đất nước. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, việc huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách là xu hướng tất yếu, khách quan, là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng yêu cầu về vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội nhận định, hiện có 3 rủi ro của các nhà đầu tư tư nhân tại các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP trong đó chủ yếu là phương thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT) là: Điều chỉnh quy hoạch, giá cung cấp dịch vụ hạ tầng và quy hoạch không sát thực tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Quốc hội kỳ vọng tạo ra môi trường pháp lý cho PPP, trong đó chủ yếu là BOT tốt hơn để cho nhà đầu tư tư nhân trong hiện tại và tương lai không như các "con thiêu thân" như 10 năm qua. Họ đầu tư và bất chấp mọi rủi ro có thể có.
Theo phân tích của ông Nhã, rủi ro thứ nhất là liên quan đến điều chỉnh quy hoạch: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng chúng ta có chiến lược nhưng chưa tốt. Rủi ro thứ 2 là giá cung cấp dịch vụ hàng tầng, hiện xã hội vẫn coi khoản phí đường bộ. Tuy nhiên xã hội cần phải chấp nhận trả phí cao hơn khi giá đường bộ tốt hơn. Rủi ro thứ ba là quy hoạch chiến lược phát triển của Việt Nam hiện không đi vào cuộc sống hoặc đổ vỡ vì nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Theo đó, các dự án đi trước như kết cấu hạ tầng (đường sá, sân bay,...) sẽ gặp rủi ro và bị ảnh hưởng, qua đó làm giảm doanh thu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần minh bạch nhiều vấn đề từ tính toán xác định giá dịch vụ hạ tầng, làm được điều này là nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại. Trong đó, cần tính toán sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, phục vụ cho xây dựng, trong đó có xây dựng đầu tư hạ tầng. Hiện, định mức kinh tế, kỹ thuật của Việt Nam vẫn áp dụng cách tính từ cuối năm 90. "Chúng ta đang trong nền kinh tế thị trường, nhưng căn cứ xác định mức chi phí hợp lý lại ở mức cơ chế kế hoạch tập trung hơn là gắn với thị trường" - ông Nhã nói.