Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều nước cấm bay do lo ngại dịch Ebola

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho biết, một lệnh cấm du lịch đối với tất cả các công dân tới các nước có nguy cơ cao lây nhiễm Ebola là hoàn toàn cần thiết.

Ngày 22/8, Senegal đã cấm các chuyến bay chở hàng cứu trợ của Liên Hợp Quốc hạ cánh tại nước này, đồng thời cấm những chuyến bay đến từ những nước đang có dịch Ebola. Nhiều nước cũng ra lệnh cấm bay do lo ngại dịch bệnh Ebola lây lan. 

 
Bệnh nhân mắc bệnh Ebola ở Tây Phi (ảnh: CBS News)
Bệnh nhân mắc bệnh Ebola ở Tây Phi (ảnh: CBS News)
Ngày 22/8, phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc điều hành cơ quan y tế Senegal, ông Papa Amadou Diack cho biết, hiện lượng thuốc sản xuất thử nghiệm điều trị Ebola không đủ, những nước có dịch bệnh sẽ được ưu tiên trước. Do đó, mặc dù hiện nay Senegal chưa có bất kỳ trường hợp sốt Ebola nào nhưng nước này vẫn đặt ưu tiên hàng đầu là tăng cường bảo vệ, phòng chống và giám sát dịch bệnh xuất hiện và lây lan

Ông Amadou Diack nói: “Chúng tôi cần phải đưa ra các chiến lược bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ lây nhiễm bằng việc dừng các dịch vụ liên quan đến những nước đang bị ảnh hưởng bởi Ebola. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp mới và sau đó, chúng tôi sẽ xem xét nếu có trường hợp ngoại lệ”.

Senegal được cho là trung tâm khu vực để các nhân viên cứu trợ và  tổ chức nhân đạo của Liên Hợp Quốc và Tổ chức bác sĩ không biên giới lên kế hoạch cho các chuyến bay tới những khu vực khác của Tây Phi. Chương trình lương thực thế giới cũng xác nhận các chuyến bay sẽ bị dừng lại cho đến khi có thông báo mới. 

Trước đó, cùng ngày, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch Ebola, Chính phủ Nam Phi đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ 3 quốc gia Tây Phi hiện đang nằm trong vùng tâm dịch là Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Nam Phi cho biết, lệnh cấm xuất cảnh được áp dụng đối với tất cả các công dân của 3 quốc gia Tây Phi vừa nêu. Riêng công dân Nam Phi hiện đang ở 3 quốc gia này vẫn được phép trở về nhà song sẽ được giám sát nghiêm ngặt về y tế.

Bộ Y tế Nam Phi cũng khuyến cáo người dân, nếu không cần thiết, không nên tới các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch Ebola. Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi, ông Aaron Motsoaledi cho biết: “Một lệnh cấm du lịch đối với tất cả các công dân tới các nước có nguy cơ cao lây nhiễm Ebola là hoàn toàn cần thiết. Đối với công dân của Nam Phi, những người muốn đi du lịch đến các nước này, họ sẽ được yêu cầu tạm hoãn chuyến đi của họ trừ những trường hợp thật cần thiết”.

Trước đó, ngày 21/8, Chính phủ Cộng hòa Chad thông báo đóng cửa biên giới với Nigeria vì "yêu cầu cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng”. Thủ tướng Cộng hòa Chad Kalzeubet Payimi Deubet cho rằng, khu vực này đã trở thành cửa ngõ duy nhất đối với Nigeria sau khi Cameroon đóng cửa biên giới với nước láng giềng này cách đây ba ngày do quan ngại dịch bệnh Ebola

Liên quan đến tình hình dịch Ebola tại khu vực Tây Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22/8 cho biết, dịch bệnh tại Ebola đã bị đánh giá thấp đặt biệt  là ở Liberia và Sierra Leone.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhiều gia đình ở các nước có dịch Ebola đã giấu thành viên gia đình bị nhiễm Ebola trong nhà và tự chôn cất các xác chết  mà không thông báo cho nhân viên y tế cũng như không điều tra về nguyên nhân cái chết. Đặc biệt là tại Thủ đô Monrovia của Liberia, hầu như tất cả các dịch vụ y tế đều đóng cửa. Điều này khiến dịch Ebola có xu hướng lan rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự định tổ chức một cuộc họp của giới chuyên gia vào đầu tháng 9 tới để bàn về phương pháp điều trị khả thi bệnh sốt Ebola tại Tây Phi.

Theo báo cáo cập nhật ngày 20/8 của Tổ chức Y tế thế giới, kể từ khi bùng phát hồi tháng 3 vừa qua, dịch sốt Ebola đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.350 người chủ yếu tại Tây Phi.