Theo Reuters, bê bối liên quan tới ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil vỡ lở sau khi phát hiện các quan chức nắm quyền thanh tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm của Brazil đã nhận hối lộ để cho các doanh nghiệp tiêu thụ thịt bẩn trên thị trường.
Sau cuộc điều tra kéo dài hai năm, cảnh sát Brazil tuần trước đã tố cáo các hãng BRF SA và JBS SA cùng hàng chục công ty đối thủ đã hối lộ cho các thanh tra viên và các chính trị gia liên quan tới ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil để họ phớt lờ quy trình kiểm định chất lượng. BRF là nhà xuất khẩu thịt gia cầm, còn JBS là nhà sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới.
Tổng thống Brazil Michel Temer đã nỗ lực xoa dịu dư luận khi khẳng định, chỉ 21 trong số hơn 4.800 cơ sở sản xuất thịt của Brazil liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn. Bê bối này đã đẩy toàn bộ ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil rơi vào cảnh lao đao, phá hủy thương hiệu vốn rất khó khăn để đạt được.
Trước thông tin này, một loạt các quốc gia đã ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil. Trung Quốc, nước chiếm tới gần 1/3 trong tổng giá trị xuất khẩu 13,9 tỷ USD của ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil trong năm ngoái, đã dừng nhập khẩu mọi sản phẩm thịt từ nước này để phòng ngừa.
Theo thông báo của ABPA ngày 20/3, EU cũng đã dừng nhập khẩu sản phẩm của bốn cơ sở sản phẩm thịt của Brazil.
Bộ nông nghiệp Hàn Quốc cho biết sẽ siết chặt công tác thanh kiểm tra với thịt gà nhập khẩu của Brazil và tạm thời cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt gà của BRF.
Hơn 80% trong tổng số 107.400 tấn thịt gà mà Hàn Quốc nhập khẩu năm ngoái là sản phẩm của Brazil. Trong khi đó hãng BRF cung cấp gần một nửa trong số đó. Quốc gia Nam Mỹ Chile cũng tạm ngừng nhập khẩu toàn bộ sản phẩm thịt của Brazil.
Đặc biệt, trong hai tháng đầu năm 2017, theo số liệu của Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.