Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bằng văn bản, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) phản ánh, một số địa phương, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không có tổ chức thanh tra độc lập, đồng nghĩa với việc không có thanh tra viên. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn bổ nhiệm thanh tra viên với mục đích trục lợi chế độ chính sách dành cho chức danh này. “Quan điểm Thanh tra Chính phủ trong việc này và biện pháp xử lý các vi phạm ra sao”, đại biểu Cương hỏi.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: NH.
|
Trong văn bản trả lời đại biểu Cương trước thềm buổi đăng đàn trực tiếp vào sáng 12/6, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thực tế trên là kết quả của việc chuyển đổi mô hình tổ chức thanh tra chuyên ngành theo Luật Thanh tra năm 2010. Một lượng khá lớn cán bộ tại các cục, tổng cục trước đây là thanh tra viên, nay vẫn thực hiện chức năng thanh tra nhưng không được hưởng chế độ của thanh tra viên như phụ cấp thâm niên nghề, trang phục, thẻ… nên đã có tình trạng thanh tra "nảy sinh tâm tư".
Để hạn chế tình trạng bổ nhiệm thanh tra viên cũng như giải quyết chế độ cho công chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan này đã cùng Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng ban hành Quyết định số 12 ngày 27/1/2014 quy định chế độ bồi dưỡng với công chức thanh tra chuyên ngành.
Thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, trường hợp phát hiện lãnh đạo cơ quan thanh tra chuyên ngành bổ nhiệm thanh tra viên thì cơ quan này sẽ hướng dẫn khắc phục và kiến nghị xử lý theo quy định.
Một bức xúc khác cũng được đại biểu Cương chất vấn người đứng đầu cơ quan Thanh tra là một số cơ quan thanh tra chuyên ngành vẫn duy trì tổ chức thanh tra độc lập. Điều này, theo ông Cương là trái với quy định của luật Thanh tra.
Thanh tra Chính phủ cho biết tại các Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tài chính, Giao thông Vận tải, Khoa học Công nghệ và môi trường đã quy định có tổ chức thanh tra độc lập. Ngoài các đơn vị nêu trên thì không có cơ quan nào được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có duy trì tổ chức thanh tra độc lập.
Tuy nhiên, Tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận do yêu cầu thực tế của hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thì tổ chức Thanh tra như hiện nay khó có thể đảm nhiệm được đầy đủ, hiệu quả. Tới đây trong quá trình đánh giá việc thực hiện luật Thanh tra 2010, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị sửa đổi quy định nói trên.