Sách lịch sử thu hút công chúng
Hơn 40 nhà sách và xuất bản đã mang đến hội sách hàng vạn cuốn thuộc các lĩnh vực: Văn học, khoa học, thiếu nhi, giáo dục… phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. Trong hai ngày diễn ra Ngày hội (20 và 21/4), các điểm trưng bày và bán sách luôn đông người xem, mua. Đặc biệt, các khu vực đọc sách miễn phí đã thu hút rất đông các bạn trẻ và thiếu nhi đến xem. Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Lấy chủ đề của Ngày hội là "Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời", chúng tôi mong muốn thu hút bạn đọc đến với ngày hội này để chọn cho mình một cuốn sách tâm đắc, góp phần hình thành và phát triển nhân cách, định hướng trong tương lai.
Nhiều độc giả mua sách lịch sử tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013
Tham quan các gian trưng bày sách, dễ nhận ra năm nay, sách lịch sử đã vượt qua sách văn học trong việc thu hút độc giả. Nguyễn Nam Hoàng, sinh viên ĐH Công nghiệp chia sẻ: "Xem cuốn nào em cũng muốn mua vì nội dung hay, trình bày đẹp và được giảm giá”. Cầm trên tay cuốn "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" của nhà văn Xuân Thủy, ông Đỗ Trung Đại (phố Lê Đức Thọ, Hà Nội) vui vẻ cho biết: "Tôi thích đọc sách nên năm nào cũng tới Văn Miếu trong ngày này. Cuốn sách này rất hay và ý nghĩa. Tôi nghĩ không chỉ những người lớn tuổi như chúng tôi mà các bạn trẻ cũng nên dành thời gian đọc để hiểu thêm về mảnh đất, con người nơi đây". TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư cũng tỏ ra phấn khởi: "Nếu ai cũng dành nhiều thời gian cho việc đọc những sản phẩm sách tốt như thế này thì chắc chắn tri thức, vốn hiểu biết về lịch sử sẽ tăng lên". Đây quả là tín hiệu mừng!
Tri ân các nhà tri thức lớn
Sau 3 lần tổ chức (từ năm 2011), Ngày hội đọc sách đang dần trở thành ngày hội chung, khi đã và đang được tổ chức ở 63 tỉnh, thành để hưởng ứng thông điệp của UNESCO về Ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4. Trong ngày 20 và 21/4, Ngày hội đọc sách cũng diễn ra đồng thời tại Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh và Thư viện Quốc gia Hà Nội. |
Năm nay, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc được mở ra quy mô với nhiều hoạt động sáng tạo hơn hẳn những năm trước. Đáng nói là các tấm pano rực rỡ sắc màu đặt ngay cổng vào Văn Miếu, in ảnh và giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp, các tác phẩm nổi bật của các nhà văn, nhà thơ đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật: Nam Cao, Văn Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tế Hanh… Đây là hoạt động thể hiện sự trân trọng các nhà tri thức lớn của đất nước. Các đơn vị phát hành còn mang tới ngày hội nhiều hoạt động "sống": Thi xếp sách nghệ thuật, triển lãm các cuốn sách, bản đồ cũ quý hiếm, thi vẽ tranh theo sách cho học sinh tiểu học, quyên góp sách... Đặc biệt, trong Ngày hội năm nay là chương trình đổi sách giấy lấy sách điện tử. Công ty Alezza đã trao 50.000 bản sách điện tử cho chương trình, đổi lấy sách giấy để nâng cao tri thức cho người dân nông thôn...
Ngày hội còn đưa ra khảo sát có ý nghĩa đặc biệt về những vấn đề nổi bật trong ngành xuất bản như: Sự chuyển dịch trong phương thức đọc, từ đọc sách in sang sách điện tử; sách in có tranh thu hút bạn đọc trẻ hơn những cuốn sách chỉ toàn chữ... Đây là những điểm đáng lưu ý mà các đơn vị phát hành sách cần nhìn nhận để có những cải tiến xuất bản cho phù hợp.