Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều tín hiệu tích cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương khi đã hoàn thành nhiệm vụ công tác của...

Kinhtedothi - Ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương khi đã hoàn thành nhiệm vụ công tác của quý I/2014 - kiềm chế được lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/4 đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề "nóng" xoay quanh Đề án tái cơ cấu VNPT, vụ đưa hối lộ tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đăng cai tổ chức ASIAD 18…

3 tháng đầu năm: Nhiều chỉ tiêu cơ bản tăng khá

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ  nhất trí cho rằng đến giờ này có thể đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ công tác của quý I/2014. Tình hình chung cho thấy kinh tế - xã hội có nhiều tín hiệu tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, có những chỉ tiêu cơ bản không phát triển từ lâu cũng đã nhích lên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm, tháng 3/2014, CPI giảm 0,44% so với tháng trước. So với tháng 12/2013, chỉ số giá tháng 3 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Tính bình quân CPI 3 tháng đầu năm tăng 4,83%. Thu chi ngân sách đạt khá so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3 ước đạt 157,07 nghìn tỷ đồng, bằng 20,1% dự toán. GDP quý I/2014 khoảng 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước (cùng kỳ 2013 là 4,76%; năm 2012 là 4,75%). Tình hình giải ngân vốn ODA khả quan, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định.

 
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty giày Hoa Dệt Hà Tây. Ảnh: Việt Linh
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty giày Hoa Dệt Hà Tây. Ảnh: Việt Linh
Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tiếp tục tháo gỡ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA…; triển khai các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế.

Đồng ý tách MobiFone khỏi VNPT

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, ngày 31/3, Thường trực Chính phủ đã họp và chấp thuận đề xuất của Bộ TT&TT về việc tách MobiFone khỏi Tập đoàn VNPT để cổ phần hoá.  "MobiFone sẽ trực thuộc Bộ TT&TT, chúng tôi sẽ nhanh chóng cổ phần hoá MobiFone theo đúng lộ trình. Tới đây, thị trường viễn thông sẽ có 3 nhà mạng trụ cột" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh. Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên xác nhận, Chính phủ đã đồng ý tách phần viễn thông di động của Tập đoàn VNPT để chuẩn bị cổ phần hoá. Phần còn lại của VNPT tiếp tục củng cố để cả hai cùng mạnh, tiếp tục giữ thương hiệu để phát triển tốt hơn. Chính phủ cũng giao cho bộ chủ quản là Bộ TT&TT thực hiện tái cơ cấu theo đúng lộ trình Chính phủ đã thông qua. Chính phủ sẽ sớm có văn bản thông tin chi tiết, cụ thể, chính xác về vấn đề này.

Chưa quyết việc đăng cai ASIAD 18

Giải đáp thắc mắc của báo chí về việc Bộ VHTT&DL có làm sai quy trình đăng cai sự kiện ASIAD 18 hay không khi có báo cáo Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội trước khi báo cáo Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Theo quy trình đăng cai ASIAD thông thường, từ năm 2010 Bộ VHTT&DL đã báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn bạc thống nhất chủ trương bắt đầu chuẩn bị việc đăng cai tổ chức ASIAD 18. Sau khi được sự đồng ý về chủ trương, Bộ VHTT&DL phối hợp các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức ASIAD 18. Sau đó, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý để Việt Nam đăng cai.

Giai đoạn hai bắt đầu chuẩn bị, nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL cùng các bộ, ngành có liên quan, cùng Hà Nội và các địa phương lân cận là khảo sát lại xem khả năng chúng ta có làm được không. Lúc đó, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nắm kỹ, lắng nghe các ý kiến, sau đó báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rồi mới quyết định có đăng cai chính thức hay không. "Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ VHTT&DL nhận được yêu cầu của UBTV Quốc hội báo cáo hoạt động thường xuyên, trong đó có việc chuẩn bị ASIAD nên Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã báo cáo. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1/4, Thủ tướng đã yêu cầu sang tuần sau Bộ VHTT&DL báo cáo cụ thể để Thủ tướng nghe và quyết định. Chúng ta tin tưởng rằng, trên cơ sở lắng nghe các góp ý… từ báo chí và người dân, Thủ tướng sẽ có quyết định có tình, có lý về việc này"  - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

 
"Liên quan tới vụ đưa hối lộ tại dự án đường sắt, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phải làm thận trọng, quyết liệt, kỹ lưỡng, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra. Đây mới là nguồn tin, chưa rõ thực hư nên trước hết mình phải tin mình, phải bảo vệ người Việt Nam mình. Khi sai phạm đã rõ thì phải xử lý. Các cơ quan công an, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc. Chúng ta tin tưởng sẽ làm quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm và sẽ xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm".

Ông Nguyễn Văn Nên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ