Những kết quả tích cực
Kết quả tích cực, cũng là tín hiệu khả quan về DN trong quý I được nhận diện trên một số mặt cụ thể. Số DN đăng ký thành lập mới đạt hơn 19.000 DN, tăng 700 DN so với cùng kỳ năm trước. Nhịp độ này sẽ là tín hiệu khả quan để cả năm có thể vượt qua mốc 76.200 DN đăng ký mới, vượt xa mức 74.800 DN trong năm trước và lớn nhất trong 4 năm qua.
Số vốn đăng ký đạt 111.200 tỷ đồng, tăng 13.230 tỷ đồng và có tốc độ tăng so với cùng kỳ cao hơn tốc độ tăng số lượng DN (13,5% so với 3,8%). Điều đó chứng tỏ quy mô vốn đăng ký bình quân một DN đã cao hơn con số tương ứng của cùng kỳ năm trước (5,84 tỷ đồng/DN so với 5,34 tỷ đồng/DN, hay tăng 9,4%). Nhịp độ này sẽ là tín hiệu khả quan để cả năm có thể vượt qua mốc 445.000 tỷ đồng, cao hơn năm trước (432.000 tỷ đồng) và cao nhất trong 4 năm qua.
Số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian trước, đến quý I năm nay đã trở lại hoạt động 5.094 DN, tăng 971 DN, hay tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng số DN đăng ký mới và trở lại hoạt động đạt 24.143, tăng 1.169 DN, hay tăng 5,1%. Nếu trừ đi số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, thì số DN tăng lên trong quý I năm nay vẫn tăng 7.968 DN. Số DN hoàn thành các thủ tục giải thể trong quý I là 2.565, giảm 15 DN, hay giảm 0,6%.
Đây là kết quả tích cực của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo thêm cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho những DN gặp khó khăn.
Không chủ quan
Kết quả tích cực của DN đã góp phần quan trọng làm cho tăng trưởng công nghiệp đạt cao, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét, thu ngân sách từ DN đạt khá. Tuy nhiên, về hoạt động DN hiện cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước nhiều thách thức.
Số lượng DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong quý I lên tới hơn 16.000 DN, tăng 2.011 DN hay tăng tới 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Với nhịp độ này, nếu không có các biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, thì cả năm, con số này sẽ lên tới 65.000 DN, thuộc loại rất cao - bình quân một ngày có tới 178 DN tạm ngừng hoạt động. Việc ra, vào thị trường là hiện tượng bình thường của các nền kinh tế, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển, song việc dừng hoạt động với số lượng lớn, liên tục tăng lên trong hơn 4 năm qua là không bình thường. Số DN đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, còn “sống” đến nay phần nhiều không phải là những DN hoạt động theo kiểu “tay không bắt giặc”, hoặc quy mô quá nhỏ bé, hoặc quá yếu kém, tuy nhiên số này vẫn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết nợ xấu, về tiếp cận vốn, về tiêu thụ sản phẩm, nhất là xuất khẩu.
Tỷ trọng DN nhỏ, siêu nhỏ lớn. Hiệu quả và sức cạnh tranh của DN còn rất thấp. Tỷ lệ lợi nhuận tính trên vốn hoạt động và tính trên doanh thu còn thấp. Tỷ trọng DN trong nước trong giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành chỉ còn dưới một nửa và trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ còn dưới 1/3.
Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do truyền thống đã ký trước đây, 3 hiệp định thế hệ mới (với Liên minh châu Âu, với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan), khả năng sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc ra đời vào cuối năm nay của Cộng đồng Kinh tế ASEAN... vừa tạo ra thời cơ, cũng có không ít thách thức. Vì vậy, một mặt cần cải thiện môi trường kinh doanh, mặt khác cần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN để thắng cả trên sân nhà, cả trên sân người.
Sản xuất mạch điện tử tại Công ty TNHH Toho Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
|