36 điểm trồi lún trên 30km đường
Đó là thực trạng trên Đại lộ Thăng Long - một trong những tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Hiện, tuyến đường do 2 đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, duy tu là Công ty CP Công trình Giao thông 2 và Công ty CP Quản lý & đầu tư xây dựng Hà Nội.
Đại diện Công ty CP Quản lý & đầu tư xây dựng Hà Nội cho biết, riêng trên địa phận 21km do đơn vị quản lý đã có tới 35 điểm rồi lún, xuất hiện từ Km8+154 - Km30+169; tổng diện tích hư hỏng trên 8.500m2; tại Km3+200 cũng xuất hiện một điểm hằn lún dài 250m, diện tích 875m2.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhiều tuyến đường khác như QL6 đoạn qua Hà Nội, cầu Thanh Trì, Vành đai 3 trên cao, cầu Thăng Long… đang bị hằn lún cục bộ, xuống cấp, xuất hiện ổ voi, ổ gà và rác thải tràn lan khắp nơi.
Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP cho biết: “Vừa qua, đơn vị quản lý, duy tu đã tiến hành thảm vá nhiều điểm hư hại nhưng trên mặt cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3 trên cao vẫn còn hàng loạt sống trâu, khe co giãn bung vỡ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT”. Còn tại cầu Thăng Long, mặt cầu tiếp tục bong bật, xuất hiện nhiều ổ gà. Mặc dù mặt cầu này đã “ngốn” khá nhiều tiền sửa chữa trong thời gian qua từ Bộ GTVT nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để hư hỏng.
Không chỉ xuống cấp, việc dọn vệ sinh trên các tuyến cầu, đường này cũng không đạt hiệu quả mong muốn. Tình trạng rác thải vương vãi, đất, đá, bụi bặm đóng mảng, kết đống loang lổ; hoặc nước mưa ứ đọng, nhựa đường khô vón cục xuất hiện khắp nơi, nhất là trên những tuyến đường có mật độ phương tiện cao như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đại lộ Thăng Long... Tình trạng này không chỉ gây mất ATGT mà còn làm mất mỹ quan đô thị, tạo nên hình ảnh nhếch nhác ngay từ cửa ngõ của Thủ đô.
Cần quan tâm công tác duy tu, bảo trì
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Công ty CP Công trình giao thông 2 Nguyễn Văn Nhi, tình trạng xuống cấp của các tuyến đường nêu trên là do lưu lượng phương tiện qua lại hàng ngày rất lớn; dưới ảnh hưởng của thời tiết, nền nhựa đường yếu đi, khi chịu tải sẽ bị lún, nứt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, để xuất hiện nhiều điểm hư hại trên các tuyến đường huyết mạch còn có phần nguyên nhân do thiếu sự quan tâm đúng mức đến công tác duy tu, bảo trì.
Mới đây, Cục Quản lý đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đã kiểm tra, đánh giá thực tế công tác quản lý, khai thác, bảo trì, đảm bảo ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến cao tốc Vành đai 3 và Đại lộ Thăng Long. Kết quả cho thấy còn nhiều tồn tại như vệ sinh mặt đường, cắt cỏ, bạt lề đường, phát quang cây cối, công tác vệ sinh miệng ống thoát nước trên cầu cạn, vệ sinh khe co giãn cầu, mắt phản quang, bảo dưỡng lan can cầu... vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều vị trí mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, bị phá vỡ kết cấu, lún tại đường đầu cầu chưa được xử lý. Bên cạnh đó, việc dọn dẹp vệ sinh trên đường, tua vớt rác tại các miệng cống thoát nước cũng cần được quan tâm hơn nữa. Các chuyên gia nhận định, khả năng tiêu thoát kém khiến nước mưa đọng thành vũng trên đường là nguyên nhân rất lớn dẫn đến tình trạng lún nứt mặt đường. Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các đơn vị duy tu, bảo dưỡng đường là nguồn kinh phí thường bị chậm và thiếu. Đơn cử, cầu Thanh Trì đã có 7/10 khe co giãn hư hỏng từ vài năm nay, nhưng theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, trước mắt mới chỉ có kinh phí để thay thế 3 khe...
Để đảm bảo ATGT, Cục Quản lý đường bộ cao tốc đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo trì và công tác ATGT trên toàn các tuyến cao tốc. Ông Nguyễn Quốc Tùng Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc, Bộ GTVT |