Trường đặc thù, cao đẳng sẽ khó tuyển sinh
Theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới có chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập giai đoạn 2014 - 2017, thời gian thí điểm thực hiện tự chủ kéo dài đến năm 2017. Như vậy, năm 2018, tự chủ hoàn toàn sẽ được áp dụng cho tất cả các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) công lập. Đối với từng trường, tự chủ cũng đồng nghĩa với tự chịu trách nhiệm, là hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Tuy nhiên, để chuyển sang phương thức hoạt động mới, không hề đơn giản và dễ dàng.
Là trường luôn thu hút rất đông TS đăng ký xét tuyển, nhưng khi nói về tự chủ, lãnh đạo ĐH Y Hà Nội cũng không khỏi băn khoăn. GS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học phí ngành y ở nước ta và nhiều nước khác là cao nhất. Bởi trường y là nơi có nhiều nhà khoa học, phát kiến những tri thức nhân loại phục vụ xã hội loài người. Khi tiến hành tự chủ, chúng tôi nghĩ đến khó khăn thu học phí ở mức cao hơn, lo ngại đến sức chịu đựng của xã hội. Chúng tôi cũng băn khoăn, lo nghĩ thời gian sinh viên học lâu như thế (6 năm), chi phí nhiều tiền, sau khi ra trường công việc sẽ như thế nào và mức thu nhập ra sao.
Ngay cả với các trường ĐH khối ngành văn hóa nghệ thuật, tự chủ cũng là vấn đề lo lắng. Lâu nay nhóm các trường này gặp khó khăn trong tuyển sinh, số lượng tuyển được ngày càng giảm, nếu tự chủ hoạt động đào tạo không biết sẽ ra sao. Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng ĐH Văn hóa Hà Nội đề xuất có lộ trình tự chủ thích hợp đối với các trường đặc thù. Đối với những trường CĐ, tự chủ rất có thể dẫn đến nguy cơ không tuyển sinh được, khi tâm lý của cả xã hội chú ý đến ĐH nhiều hơn. Ông Trịnh Cao Khải – Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Hà Nội thành thật: "Chúng tôi rất lo lắng. Khi tự chủ chúng tôi sẽ phải giải quyết thế nào đối với 300 cán bộ, giáo viên. Nhất là trong điều kiện những trường đào tạo về CĐ, trung cấp tập trung vào thực hành và chi phí cho nó lớn hơn rất nhiều các ngành khác. Vì vậy, tôi rất mong có lộ trình để các trường CĐ có sự chuẩn bị”.
Cốt yếu là chất lượng đào tạo
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để giúp người học giải quyết bài toán học phí tăng cao khi các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn, cần có hệ thống hỗ trợ. Hiện nay, ta đã có chính sách cho sinh viên vay tiền đóng học phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tuy nhiên, mức vay còn rất thấp và tiếp cận chưa dễ dàng. Bởi vậy, nhiều người đề xuất trong thời gian tới, mức cho vay tăng lên và các thủ tục thuận tiện hơn. Về nguồn học phí, GS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ băn khoăn này cũng là thách thức của giáo dục nước ta. Ở các nước, sinh viên sau 18 tuổi không còn được gia đình chu cấp, mà phải vay tiền đi học. Khi học xong phải kiếm việc làm để trả lại số tiền đã vay. Đây cũng là văn hóa mà chúng ta cần nghĩ tới, thay vì các gia đình bao bọc con đến tuổi trưởng thành, thậm chí nhiều năm sau. “Sinh viên phải đi vay tiền để học đó là gánh nặng, là khó khăn. Nhưng tôi đánh giá mặt thuận tiện của nó chính là động lực buộc các em phấn đấu học tập để sau này làm sao có vị trí, việc làm, thu nhập để hoàn trả” - GS Hinh bày tỏ.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, chỉ còn 2 năm nữa tất cả các trường ĐH, CĐ công lập phải thực hiện tự chủ hoàn toàn. Từ giờ đến thời gian đó các trường cần phải có sự chuẩn bị về mọi mặt. “Các cơ sở đào tạo làm sao tự chủ được? Có nhiều vấn đề đan xen liên quan với nhau (tuyển sinh, chất lượng đào tạo, tự chủ về tài chính…) không thể tách bạch được. Nếu muốn tuyển sinh tốt thì sản phẩm đào tạo ra phải được xã hội thừa nhận. Và để xã hội chấp nhận thì có rất nhiều vấn đề” – PGS.TS Phạm Văn Liên - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết. Theo ông Liên, cái chốt lại vẫn phải nhắm vào chất lượng đào tạo. Nhưng trong điều kiện thực tế, các trường đang gặp phải vấn đề "mình nâng cao chất lượng nhưng "hàng xóm" lại không làm thế. Họ có chiến lược marketing tốt nên vẫn có tài chính và sống (tất nhiên trong thời gian ngắn). Nếu mình không đi theo họ, âm thầm đi theo chất lượng đào tạo thì có khi chết" - ông Liên nói một cách hình ảnh. Như vậy, giữa bài toán hiện tại và lâu dài, Học viện Tài chính xác định củng cố chất lượng đào tạo, mặc dù đã có truyền thống hơn 50 năm. Cụ thể, những năm qua, đội ngũ giảng viên tăng, nhưng chỉ tiêu đào tạo chính quy vẫn ổn định, thậm chí giảm số lượng đào tạo vừa học vừa làm và liên thông. Bởi vậy, chất lượng đào tạo của học viện vẫn được xã hội chấp nhận và không phải lo lắng việc tuyển sinh.
Trong việc thực hiện tự chủ hoàn toàn, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường một cách đồng bộ. Các quy định pháp lý về quyền tự chủ cần được thống nhất, nhất quán giữa các văn bản khác nhau. Đây là cách để các trường có được quyền tự chủ trọn vẹn và có thể tránh tình trạng tự chủ “nửa vời”, hoặc trao quyền nhưng vẫn bị “trói buộc”.
Thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tháng 8/2015. Ảnh: Phạm Hùng
|