Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường mong muốn được tiếp tục “ở riêng”!

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện thí điểm tự chủ đã giúp cho các trường đại học (ĐH) tăng tổng thu tài chính, ngân sách Nhà nước cấp cho đầu tư xây dựng cơ bản cao hơn 85%, đặc biệt là học bổng dành cho sinh viên cao hơn 40% so với khi chưa được “ở riêng”.

Nguồn thu tăng, đầu tư tăng
Ngày 20/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017.
Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Lê Trung Thành là trưởng nhóm nghiên cứu thông tin: Đến nay, cả nước có 23 cơ sở giáo dục công lập thực hiện tự chủ. Kể từ khi thực hiện tự chủ, thủ tục hành chính được giảm bớt, các trường chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Số chỉ tiêu đào tạo chính quy đại trà của các trường giảm trong khi quy mô những chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 từ cuối năm 2016. 
Tự chủ cũng đồng nghĩa với số đề tài khoa học công nghệ tăng gần gấp đôi. Đáng chú ý, Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ 55 bài báo (năm 2013) đăng trên tạp chí quốc tế tăng lên 693. Số công trình, bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất, năm 2016 gấp 2 lần so với 2013.
Đáng chú ý, tổng thu tăng 16,1% so với giai đoạn trước tự chủ. Thực hiện tự chủ còn giúp các cơ sở giáo dục ĐH thu từ học phí, lệ phí, sự nghiệp khác tăng 23,47%. Ông Trung Thành giải thích: “Nguồn thu từ học phí tăng chủ yếu từ các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, tiến sĩ, chính quy đại trà. Trong khi ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên, không thường xuyên giảm 16,51% (từ 430 tỷ đồng xuống còn 359 tỷ đồng) thì kinh phí cấp cho đầu tư xây dựng cơ bản tăng 85,1% (từ 230 tỷ đồng năm 2013 - 2014 lên đến 425 tỷ đồng năm 2015 - 2016). “Tự chủ về tài chính không có nghĩa Nhà nước sẽ cắt toàn bộ ngân sách và bỏ qua đầu tư cho các trường tự chủ”, ông Thành nhận định.
Không chỉ thế, các trường công lập được tự chủ tập trung tăng mạnh đầu tư, mua sắm trang thiết bị (84,4%), chính sách học bổng cho sinh viên cũng cao hơn 39,5%.
Làm rõ vai trò chủ tịch Hội đồng trường
Tự chủ cũng là yếu tố thúc đẩy các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tốt hơn công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Có 8/12 (66,7%) trường tự chủ trên 2 năm thực hiện kiểm định, cao gấp hơn 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ. Thực hiện thí điểm tự chủ đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho các trường, tuy nhiên, cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là thiếu những quy định thực hiện, nhiều văn bản chưa thay đổi kịp để hỗ trợ hoạt động của các trường.
Tại hội nghị này, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đông Phong đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản mới thay thế cho Nghị quyết 77 tạo hành lang pháp lý cho các trường thực hiện. Ông Phong cũng kiến nghị các trường tự chủ được phép xây dựng học phí, thay vì theo khung trần Chính phủ quy định như hiện nay.
Đồng quan điểm với ông Phong, nhưng Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh Mai Hồng Quỳ đề xuất các trường phải được kiểm định mới tăng học phí. “Hiện nhiều trường không dám tăng học phí đến mức tối đa vì sự cạnh tranh giữa các cơ sở rất quyết liệt. Trường tự chủ có thể không tuyển được sinh viên có chất lượng nếu thu học phí cao. Vì thế rất cần Nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm và điều tiết những ngành nghề có nhu cầu xã hội cao”.
Các trường cũng đồng tình với quan điểm khi thực hiện tự chủ thì Hội đồng trường (HĐT) giữ vai trò rất quan trọng. Và, tới đây, khi không còn “bộ chủ quản”, HĐT điều hành hoạt động, được biểu quyết bầu lãnh đạo trường. Vì thế, ông Phong đề xuất Chủ tịch HĐT phải giỏi hơn hiệu trưởng. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn nêu thực tế vai trò của HĐT chưa được đề cao do văn bản pháp luật chỉ đề ra quyền mà không nói đến trách nhiệm. Vì thế, Luật Giáo dục ĐH phải sửa quy định HĐT không chỉ đại diện cho chủ sở hữu mà phải có các lợi ích liên quan. Người đứng đầu HĐT không cần học hàm cao nhưng phải có uy tín.
Đi sâu vào nội dung trên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng không nên kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐT và hiệu trưởng. Chủ tịch HĐT phải qua công tác quản lý ít nhất 3 năm; có học hàm học vị cao hơn hoặc bằng hiệu trưởng và phải qua công tác quản lý ít nhất 3 năm.
Tất nhiên, với những lợi thế mà tự chủ ĐH mang lại, đa số lãnh đạo các trường tự chủ theo Nghị quyết 77 kiến nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện khi 2 năm thí điểm kết thúc. Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng công bố lộ trình, điều kiện để dần xoá bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản” để các trường trở thành pháp nhân độc lập.