Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường tìm cách gỡ khó cho thí sinh

Bảo Thắng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian nghỉ dài vì tình hình dịch bệnh, đến nay nhiều trường đại học liên tiếp điều chỉnh phương án tuyển sinh đầu vào đã ít nhiều gây ra xáo trộn về tâm lý.

  GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, những điều chỉnh này thực chất đã giúp ích, gỡ khó cho các thí sinh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông.
Những ngày gần đây, ngoài thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã có những điều chỉnh (thi trong 2 ngày với 4 bài thi), nhiều trường đại học cũng thay đổi phương án tuyển sinh. Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi này?
- Trước hết, chúng ta cần nhìn trực diện vào lý do, đó chính là vấn đề dịch bệnh. Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Từ vấn đề học truyền thống được bổ sung, thay thế là các lớp học trực tuyến, trên truyền hình, đến kỳ thi THPT quốc gia được thay vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, với mục tiêu chính là hoàn thành chương trình học phổ thông của các học sinh. Và với các kỳ thi tuyển, xét tuyển đầu vào đại học cũng vậy, đã có những ảnh hưởng nhất định. Nếu như trước đây (5 năm trở lại đây), các trường đại học với phần lớn là dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét đầu vào, chỉ trừ một số trường đặc thù, quy mô lớn, đào tạo chất lượng cao.
Nhưng giờ đây, khi kỳ thi THPT quốc gia đã được thay thế vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ buộc các trường đại học phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, từ ngày 1/7 tới, Luật Giáo dục có hiệu lực, các nhà trường sẽ được quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh. Có nghĩa, họ được quyền tự đưa ra các phương án tuyển sinh khác nhau để phù hợp với đặc thù của cơ sở mình.
Tự chủ tuyển sinh là quyền của các nhà trường, ấy nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trường công bố điều chỉnh phương án tuyển sinh. Có ý kiến cho rằng, ngoài những áp lực từ các ma trận bài thi, cả triệu thí sinh đang phải đối mặt với các ma trận tuyển sinh mới, gây ra những xáo trộn nhất định trong tâm lý học sinh cuối cấp. Ông có đồng ý với quan điểm này không?
- Xét về mặt tâm lý đơn thuần thì có thể nói như vậy. Làm giáo dục, cái cần là sự ổn định, như vậy, mới có thể thành nền thành nếp. Tuy nhiên, cũng trong giáo dục, việc cần hướng tới là liên tục cập nhật, liên tục đổi mới để hướng tới những nền giáo dục văn minh, tiên tiến. Quay lại câu chuyện tuyển sinh, xét về toàn diện, tôi thấy các trường top đầu đang tìm cách gỡ khó cho thí sinh. Ví dụ Luật Giáo dục cho phép họ có thể tự chủ trong tuyển sinh, và nhiều trường đã thông báo sẽ có kỳ thi riêng để tuyển đầu vào.
Ấy nhưng, một số trường lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách Khoa, Ngoại thương... đã thay đổi phương án, thay vì một kỳ thi riêng, các trường này đã điều chỉnh theo hướng sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, với xu thế bảo đảm sự ổn định của thí sinh, vì quyền lợi của thí sinh. Nói nôm na, trong lúc cả nước đang gồng mình ứng phó với dịch bệnh, giờ đẻ thêm một kỳ thi nữa có thể ảnh hưởng đến học sinh cuối cấp trên cả nước.
Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có nói bản chất cuộc thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là xét tốt nghiệp và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, trên cơ sở tinh giản, giảm tải. Vậy những trường đại học muốn có đầu vào chất lượng tốt nhưng chỉ dựa vào kết quả kỳ thi này, như thế liệu có đảm bảo không, theo ông?
- Như tôi nói ở trên, Luật Giáo dục cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Với từng trường, từng đặc thù, họ sẽ đưa ra những phép toán khác nhau để bảo đảm theo yêu cầu của trường mình. Mới đây, tôi thấy Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói, dù là kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm độ khó nhưng vẫn có phương án phân loại học sinh trung bình, khá, giỏi. Do vậy, các trường đại học có thể căn cứ vào đó để xem xét tuyển sinh.
Xin cảm ơn ông!

Nhiều điều chỉnh trong tuyển sinh đại học

Do được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhiều trường đại học đã có nhiều điều chỉnh, cơ bản theo hướng hỗ trợ cho thí sinh tránh vất vả phải đối mặt thêm một kỳ thi và tạo tính ổn định trong năm 2020. Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển đầu vào.

Thay vào đó, ban lãnh đạo nhà trường quyết định sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm 2019 - sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ. Đây là phương án được cho là khá bất ngờ, bởi cách đây ít ngày, hôm 25/4, trường này đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi năng lực với các bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài luận.

Cũng là những điều chỉnh trong tuyển sinh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thông báo vẫn giữ kỳ thi riêng nhưng điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán - Lý hoặc Toán - Hóa) để xét tuyển đầu vào. Phương án này được nhà trường công bố áp dụng cho ngành Kỹ thuật và Kinh tế. Liên quan đến chỉ tiêu cho phương thức lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, ban lãnh đạo nhà trường tuyên bố sẽ dùng đến 60% chỉ tiêu.

Một trường đại học nhận được nhiều quan tâm trong đợt tuyển sinh chính là Đại học Ngoại thương. Bà Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giảm áp lực cho thí sinh trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, trường Đại học Ngoại thương sẽ hủy tổ chức kỳ thi phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội khi xét tuyển đại học chính quy năm 2020.

Thay vào đó, nhà trường sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường không phải là ngoại ngữ.