Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều văn bản quy phạm lạc lõng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm do Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo phải tạm dừng thẩm định và 2 thông tư của Bộ TN&MT vừa ban hành phải ngưng hiệu lực thi hành một số quy định do chưa phù hợp với thực tiễn... Đây cũng là tình trạng chung của nhiều văn bản sai sót về thẩm quyền, nội dung phải xử lý.

Có hiệu lực hơn 4 tháng đã phải ngưng thực hiện
Trước tình trạng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển tăng đột biến, ngày 14/9/2018, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 08 và Thông tư số 09 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Kèm 2 thông tư này là 6 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho 6 loại phế liệu nhập khẩu gồm sắt thép, giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại màu và xỉ hạt lò cao. Trong đó quy định, cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng các phế liệu nhập khẩu kể trên là Sở TN&MT nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
 Dự thảo tiêu chuẩn về sản xuất nước mắm đã phải tạm dừng vì chưa khả thi.
Quy định trên sau khi ban hành đã vấp phải ý kiến phản ứng của DN do chồng chéo với quy định khác, kéo dài thêm thời gian thông quan với các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trước bất cập trên, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Ngày 8/3/2019, hơn 4 tháng sau ngày 2 Thông tư 08 và 09 có hiệu lực, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của 2 thông tư trên. Như vậy, với thông tư mới, một phần của Thông tư 08 và 09 đã phải bãi bỏ.
Trong khi đó, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo đã bị các DN sản xuất nước mắm truyền thống phản đối. Nhiều tổ chức đại diện cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống đã có văn bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc xây dựng dự thảo này. Các ý kiến cho rằng những tiêu chuẩn đưa ra trong dự thảo không hợp lý, gây khó khăn, thậm chí triệt tiêu nước mắm truyền thống.
Nhiều đề xuất không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn
Qua kiểm tra, rà soát, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Đồng Ngọc Ba cho biết, tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều. Trong khi đó, việc xử lý một số văn bản trái pháp luật, nhất là khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn hạn chế, vướng mắc.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, DN, môi trường đầu tư, kinh doanh, tiến tới hoàn thành việc kiểm tra ngay sau khi ban hành và trước thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản” - ông Ba khẳng định.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ của cán bộ tham mưu ban hành văn bản của một số cơ quan còn hạn chế, nhiều đề xuất ban hành không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm một số quy định của Luật Ban hành VBQPPL về trình tự, thủ tục xây dựng, đặc biệt là việc đánh giá tác động, tổng kết thực tiễn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời... Do đó, để nâng cao chất lượng VBQPPL trong thời gian tới, cần quan tâm đúng mức đến nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng VBQPPL, coi đây là khâu then chốt; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật.

Năm 2018, Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) đã kiểm tra 5.557 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; phát hiện và kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung, 52/84 văn bản đã được xử lý; 32 văn bản chưa xử lý (trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý).