Kinhtedothi - Không nên thiết kế mô hình trường lý tưởng nhưng khó khả thi, cũng không nên bài bác trường vụ lợi là xấu, loại hình trường nào cũng có vai trò của nó. GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam (Hiệp hội) đưa ra quan điểm này khi nói về Dự thảo Điều lệ trường ĐH vừa được Bộ GD&ĐT gửi Hiệp hội thẩm định lần 2.
“Né” vấn đề nhạy cảm
Nói về Dự thảo Điều lệ trường ĐH, GS Trần Hồng Quân cho hay: "Dự thảo lần này được soạn thảo khá công phu, cố gắng thể hiện tối đa mọi quy định có liên quan tới tất cả các mặt hoạt động của trường ĐH, tiếp thu khá nhiều góp ý của các chuyên gia giáo dục, trong đó có góp ý của Hiệp hội. Tuy nhiên, một số nội dung cần được diễn giải cụ thể hơn cho phù hợp với tính chất của một điều lệ trường". Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng, về nguyên tắc, điều lệ mang tính chất khung của quốc gia, chỉ quy định những điều tối thiểu. Sau đó, các trường sẽ cụ thể hóa theo cách thức của họ. Điều lệ quá cụ thể sẽ giống như ban giám hiệu chỉ đạo công việc cho cấp dưới, cụ thể đến mức một giáo viên mới được tuyển dụng phải tập sự, trong thời gian 7 ngày có cử người hướng dẫn. 3, 5 hay 7 ngày là việc của các trường, điều lệ "cầm tay chỉ việc" thì các trường hết sạch đất để tự chủ.
Dự thảo bám sát những quy định trong Luật Giáo dục, đặc biệt là Luật Giáo dục ĐH, khiến một số nội dung quan trọng cần được minh giải kỹ lại không đạt yêu cầu.
Điển hình như TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH phân tích: "Những gì liên quan đến chuyện lình xình ở các trường khi chuyển đổi từ dân lập sang tư thục dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, tranh giành quyền lực, thực chất liên quan đến các vấn đề tự chủ lại không được làm rõ". Dù Dự thảo lần này có một chương quy định về trường hoạt động phi lợi nhuận và trường hoạt động vì lợi nhuận, song nhiều chuyên gia đề nghị cần xem xét kỹ hơn. Bởi, Dự thảo khẳng định các trường tư thục nếu hoạt động không vì lợi nhuận thì có hình thức sở hữu cộng đồng, những người tham gia hội đồng quản trị chỉ chiếm không quá 25%. Như thế, một gia đình đóng góp thành lập trường xong thì mất luôn quyền. Theo TS Lê Trường Tùng, việc nhấn mạnh hình thức sở hữu như thế không ổn. Điều quan trọng nhất đối với trường tư phi lợi nhuận là không dùng tiền của Nhà nước và lợi nhuận không phân chia.
Loại hình trường này cần có người làm chủ để quyết định cơ cấu tổ chức, đường hướng hoạt động của trường theo phong cách riêng.
Tách bạch 2 loại hình
Với Dự thảo lần thứ 2 này vẫn có những ý kiến băn khoăn về việc phân chia chức năng giữa hội đồng quản trị và ban giám hiệu. Có chuyên gia không hiểu vì sao chức năng chiến lược lại chia làm 2 loại (chiến lược đầu tư và chiến lược đào tạo) và mỗi đối tượng quyết định một chức năng. Chức năng chiến lược đầu tư do hội đồng quản trị quyết, còn chiến lược đào tạo do hiệu trưởng quyết. Hợp lý nhất thì tất cả các đường hướng phát triển cơ bản của trường phải do hội đồng quản trị quyết, hiệu trưởng là người điều hành thực hiện kế hoạch. Điều lệ thiết kế hiệu trưởng vừa xây dựng chiến lược vừa thực hiện chẳng khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Trước những tranh cãi không đáng có về quy định chỉ có một loại hình trường, Hiệp hội đề nghị Điều lệ trường ĐH tiếp tục tách bạch hai loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận và hoạt động không vì lợi nhuận kèm theo các định chế về tổ chức và tài chính. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi chuyển loại hình, không nên xem ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận chỉ là một dạng đặc biệt của trường ĐH tư thục.
Ngoài góp ý cho dự thảo Điều lệ trường ĐH, Hiệp hội còn gửi kèm theo Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Dự thảo này có 3 điểm khác biệt so với quy chế về trường vì lợi nhuận. Thứ nhất, trường tư thục vì lợi nhuận do tư nhân và các cá nhân đầu tư xây dựng trở thành chủ sở hữu tư nhân. Trường không vì lợi nhuận, sau khi tư nhân đầu tư xong sẽ chuyển giao cho những người đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội làm nhiệm vụ quản trị và trở thành sở hữu chung của cộng đồng. Thứ hai, ở trường tư thục vì lợi nhuận, những nhà đầu tư trở thành hội đồng cổ đông, còn trường tư thục không vì lợi nhuận, cơ quan quyền lực cao nhất là hội đồng quản trị. Thứ ba, trường vì lợi nhuận, nhà đầu tư có quyền định đoạt tỷ lệ hưởng lãi suất cho mình, nhưng trường không vì lợi nhuận, những người góp vốn chỉ được được nhận tiền thưởng hợp lý không được vượt quá lãi suất của trái phiếu Chính phủ.
Giờ học của sinh viên Đại học FPT.
|