Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều vấn đề kinh tế cần có giải pháp đột phá

Hồng Thái (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ phải có biện pháp kích cầu cho DN. Nếu các DN nguồn lực tốt, sẽ có cơ hội để thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy; có thể mua lại các dây chuyền, mua quy trình, công nghệ của nước ngoài về để thay thế...” - GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội) trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Phải có nguồn lực hỗ trợ cho DN lớn hơn

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan, trong đó, GDP vẫn tăng trưởng ở mức cao, thu ngân sách đạt kết quả tốt, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… Ông đánh giá thế nào về các kết quả này?

- Chúng ta nhìn thấy báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù mức tăng trưởng GDP 5,64% trong nửa đầu năm được xem là tốc độ tương đối khá, xu hướng vẫn tăng liên tục; từ lúc tăng trưởng 0,39% vào quý II/2020, đến quý I/2021 là 4,48% và quý II/2021 là 6,64%. Rõ ràng, chúng ta nhìn thấy dù xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn có xu hướng đi lên, chúng ta vẫn thực hiện rất tốt “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, 6 tháng qua, Việt Nam trải qua 2 đợt dịch, đều rơi vào 2 thời điểm nhạy cảm kinh tế. Đợt đầu rơi vào dịp Tết Nguyên đán, thời kỳ cao điểm tiêu dùng, lễ hội, du lịch; đợt dịch lần thứ 2 rơi đúng vào các vùng trọng điểm như các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Đông Nam Bộ; mức độ tác động của dịch rất lớn.
GS.TS HoàngVăn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Chúng ta cũng nhìn thấy chỉ tiêu thứ hai - chỉ số CPI chỉ 1,47%, thấp nhất trong 6 năm qua. Trong khi, từ đầu năm đến nay, chúng ta nhìn thấy giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá xăng dầu tăng, giá sắt thép tăng, đương nhiên hàng hóa tăng giá là bình thường. Tuy nhiên, chỉ số CPI 1,47% rất thấp, điều này cho thấy, cầu về hàng hóa dịch vụ rất thấp, sức mua của người dân và sức hấp thụ đầu vào cho sản xuất, của DN đang rất yếu; ảnh hưởng đến người dân, DN. Thu ngân sách đạt 58,3%, đây là con số rất tốt cho thấy nguồn ngân sách không quá hạn hẹn. Cộng thêm chỉ số CPI thấp như vậy, trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, đặt ra vấn đề, Chính phủ phải có biện pháp kích cầu cho người dân và DN - đó là các biện pháp hỗ trợ.

Để giúp các DN phục hồi, theo ông, cần có giải pháp hỗ trợ thế nào?

- Biện pháp hỗ trợ như hiện tại là hoãn, giãn các khoản nghĩa vụ đóng góp, không thu hồi nợ, giúp giảm bớt khó khăn, giảm gánh nặng cho DN; tuy nhiên, cũng chưa thể tạo được sức mạnh cho DN. Cùng đó, phải tăng hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động; hỗ trợ DN trả lương cho người lao động, giúp sức cầu người dân tăng lên; giúp người lao động, DN cùng vượt qua khó khăn.

Để giúp các DN phục hồi, phải có gói cứu trợ lớn hơn để giúp DN có khả năng, có nguồn lực tích lũy các điều kiện như nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; tiến hành hoạt động đầu tư, tăng sản xuất. Kinh tế thế giới hiện đang có xu hướng mở cửa, nhiều nước gần như đạt được chỉ tiêu miễn dịch cộng đồng, đã mở cửa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực và thế giới cao hơn chúng ta. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị sẵn nguồn lực cho DN. Chúng ta phải có nguồn lực hỗ trợ cho DN lớn hơn, thông qua 2 con đường. Do chỉ số CPI thấp, nên chính sách tiền tệ phải tăng lên; đồng thời, cung thêm tiền, lựa chọn các ngành, lĩnh vực, các hoạt động đang thực sự có tiềm năng. Các DN đang có khả năng tiếp cận, phải được hỗ trợ, giảm hơn nữa lãi suất cho vay; thậm chí lãi suất 0% để các DN có tiềm lực thay đổi công nghệ, đầu tư máy móc, tạo ra sản phẩm.

Cơ hội thay thế các xu hướng đang đứt gãy

Phải chăng đây cũng là cơ hội cho các DN có thể phá sản, hoặc chuyển đổi sang các hướng đầu tư mới, thưa ông?

- Để không lỡ nhịp và bắt kịp với xu thế mở cửa và sự phục hồi của kinh tế thế giới, chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng để mở cửa nền kinh tế. Đồng thời, phải có các hỗ trợ từ Chính phủ để giúp các DN có thể rời bỏ, từ bỏ các hướng kinh doanh chưa hiệu quả. Đây là cơ hội cho các DN, một là phá sản, hai là chuyển đổi sang các hướng đầu tư mới. Trong bối cảnh hiện nay, nếu các DN có được nguồn lực tốt, thậm chí chúng ta có cơ hội để thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy. Chúng ta có thể mua lại các dây chuyền, mua quy trình, công nghệ của nước ngoài về để thay thế. Thậm chí, các DN có thể liên doanh liên kết, thay đổi cục diện không bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Chính phủ cần triển khai các gói hỗ trợ thông qua cơ chế đặt hàng cho DN, và cam kết dành thị phần đủ lớn để các DN trong nước mua lại các dây chuyền công nghệ của các nhà sản xuất trên thế giới đang gặp khó khăn do đại dịch, đang có xu hướng dịch chuyển địa bàn đầu tư. Đó chính là con đường để biến khó khăn do đại dịch của các nhà sản xuất nước ngoài thành cơ hội phát triển các sản phẩm của các tập đoàn trong nước, để nước ta có riêng cho mình các ngành công nghiệp đường sắt, công nghiệp hậu cần kinh tế biển hay công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến... Chúng ta đều biết rằng, những mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 không phải chỉ là con số tăng trưởng của một nhiệm kỳ mà quan trọng hơn những hành động của nhiệm kỳ này phải tạo tiền đề, đặt nền móng cho chiến lược phát triển 10 năm đến 2030 và thực hiện các khát vọng một Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Nếu chúng ta muốn nền kinh tế thực sự tạo ra được hạng mức tăng trưởng để đạt đến “nền kinh tế hùng cường” so với mục tiêu như Đại hội Đảng đề ra, chúng ta phải có những tập đoàn kinh tế thực sự mạnh. Để đạt được các mục tiêu trên, theo ông, phải có giải pháp thế nào?

- Về kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, tôi thấy có nhiều vấn đề cần phải có giải pháp thực sự đột phá hơn. Điển hình là giải pháp liên quan đến sắp xếp lại DNNN và xử lý những vấn đề của DNNN. Nếu chúng ta muốn nền kinh tế thực sự tạo ra được hạng mức tăng trưởng để đạt đến “nền kinh tế hùng cường” so với mục tiêu như Đại hội Đảng đề ra, chúng ta phải có những tập đoàn kinh tế thực sự mạnh. Muốn vậy nhiệm kỳ này phải đặt nền móng, phải tái cấu trúc khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước hiện đang giữ một sân vô cùng lớn, chiếm lãnh địa của các tập đoàn tư nhân mạnh có thể đặt chân vào đây.

Tôi nghĩ phải tái cấu trúc nhanh. Những tập đoàn mạnh chúng ta đầu tư để họ thành tập đoàn kinh tế mạnh. Những tập đoàn nào không cần thiết, không đủ khả năng, chúng ta mạnh dạn chuyển sân cho lĩnh vực tư nhân. Nếu quyết tâm thực hiện, tôi tin tưởng, rằng không cần đợi đến năm 2025 như mục tiêu Chính phủ đề ra, chúng ta có thể xử lý dứt điểm các yếu kém thất thoát của các DN, tập đoàn tổng công ty nhà nước trong vòng 1 - 2 năm tới để đến năm 2025 khi kết thúc nhiệm kỳ chúng ta có thêm nhiều tập đoàn kinh tế mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Tôi nghĩ phải tái cấu trúc nhanh. Những tập đoàn mạnh chúng ta đầu tư để họ thành tập đoàn kinh tế mạnh. Những tập đoàn nào không cần thiết, không đủ khả năng, chúng ta mạnh dạn chuyển sân cho lĩnh vực tư nhân. Nếu quyết tâm thực hiện, tôi tin tưởng rằng không cần đợi đến năm 2025 như mục tiêu Chính phủ đề ra, chúng ta có thể xử lý dứt điểm các yếu kém thất thoát của các DN, tập đoàn tổng công ty nhà nước trong vòng 1 - 2 năm tới để đến năm 2025 khi kết thúc nhiệm kỳ chúng ta có thêm nhiều tập đoàn kinh tế mạnh." - GS.TS Hoàng Văn Cường