Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều yếu kém trong quản lý tồn kho, hàng giả, xăng dầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở ngày chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, hàng tồn kho lớn; tình trạng hàng giả, hàng nhái chưa được giải quyết triệt để có nguyên nhân từ công tác dự báo, quản lý yếu kém. Người đứng đầu ngành công thương cũng cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, giá cả diễn biến

>>>Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm

Hàng giả, hàng nhái khó kiểm soát

Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) xung quanh hàng tồn kho, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Chỉ số hàng tồn kho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1/10 là 20%, tập trung ở một số loại vật liệu xây dựng, sắt thép, phân bón và một số chủng loại than đá… Theo đó, ngoài lý do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, còn có nguyên nhân từ quy hoạch, dự báo yếu kém, chưa sát sao cảnh báo. Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục, nhất là công tác quy hoạch, dự báo.

Nhiều yếu kém trong quản lý tồn kho, hàng giả, xăng dầu - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội), vì sao hàng kém chất lượng độc hại vẫn nhập khẩu mà chưa được ngăn chặn? Và Bộ có chương trình hay kế hoạch gì để sản xuất hàng hóa trong nước cạnh tranh thắng trên sân nhà? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thực trạng trên là do thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ, cộng với khung xử lý vi phạm chưa đủ răn đe. Bộ trưởng hy vọng sắp tới khi Nghị định sửa đổi của Chính phủ về xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được áp dụng thì tình hình sẽ có chuyển biến hơn. Theo Bộ trưởng, nếu người tiêu dùng kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng thì các mặt hàng này chắc cũng khó tiêu thụ.

Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà phản ứng: "Không phải ai cũng hiểu rõ chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa để có thể trở thành người tiêu dùng thông thái và có lựa chọn thông minh. Đề nghị cơ quan chức năng công bố đích danh các mặt hàng kém chất lượng, không nên tiêu dùng, cũng như các địa chỉ kinh doanh các mặt hàng này".

Tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐB đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, công tác chống hàng giả, hàng nhái tiếp tục được xem là nhiệm vụ trọng tâm nhất và hứa sẽ đẩy lùi, tạo chuyển biến tích cực về quản lý trong năm 2013, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cũng có biện pháp tuyên truyền, công bố các sản phẩm chất lượng tốt, trong nước đã sản xuất được để người tiêu dùng có thông tin lựa chọn.

Bất cập trong điều hành xăng dầu

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc xăng dầu tạm nhập nhưng “quên” tái xuất gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Những năm qua vẫn tồn tại thực trạng cho tạm nhập, nhưng tái xuất không hết lượng tạm nhập và Bộ Công an đã xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về việc đã để xăng dầu kém chất lượng ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận.

Bộ trưởng hứa sẽ kết hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiểm soát chất lượng xăng dầu, kiểm soát chặt chẽ, xử lý mạnh tay hơn về phẩm chất đạo đức, năng lực của cán bộ ngành công thương.

Về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ vẫn kiên trì chủ trương thực hiện theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cơ chế này vận hành từ năm 2009 đến nay, đã đạt một số kết quả, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, vẫn còn xảy ra tình trạng diễn biến giá cả thất thường và việc điều hành còn nhiều bất cập. Thời gian điều chỉnh tăng giảm giá và thời điểm quyết định tăng giảm giá cùng với một số quy định trong Nghị định 84 không phù hợp.

Tham gia trả lời trong phần điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Tài chính chủ động đánh giá Nghị định 84 và đề nghị Chính phủ cho sửa đổi Nghị định này. Theo lộ trình tháng 12 tới sẽ sửa đổi, còn Thông tư 234 muốn sửa đổi cũng phải dựa trên việc sửa đổi Nghị định 84.

Trả lời câu hỏi của ĐBQH việc giá xăng dầu giảm 500 đồng/lít vào chiều 11/11, là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là biện pháp linh hoạt của 2 Bộ trưởng trước thềm chất vấn, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói: Việc liên Bộ điều chỉnh giá là ngẫu nhiên, đúng thời điểm giá thế giới giảm, không liên quan gì đến việc trước khi Quốc hội họp thì điều chỉnh giá.

Với ý kiến của các ĐB về tình hình lỗ lãi của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cơ quan kiểm toán Nhà nước đã vào thanh tra, nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định chưa nhận văn bản chính thức về kết quả thanh tra. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương là thời điểm trước tháng 11/2011, Petrolimex vẫn là DN Nhà nước do đó, tiền lương thực hiện cũng phải theo quy định của Nhà nước. Bộ trưởng khẳng định, khi nhận được chính thức bản kết luận sẽ báo cáo bằng văn bản vấn đề này. 

Đại biểu Đào Xuân Yên (đoàn Thanh Hóa):  Bộ trưởng trả lời còn chung chung, chưa sát

Tôi thấy trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn chưa cụ thể, rất chung chung. Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, tôi cũng đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương 2 câu hỏi: Một là về giải quyết tình trạng doanh nghiệp phá sản và giải quyết hàng tồn kho hiện nay như thế nào? Câu thứ 2 là về chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, nhưng phần giải trình trong thực hiện “lời hứa” cũng chưa rõ ràng, cụ thể, khó thấy được giải pháp.

Trần Hà ghi