Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn từ ba mục tiêu vĩ mô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng) tăng 4,6%, cao hơn tốc độ tăng 4,5% của quý 1.

Năm 2013 với mục tiêu tổng quát (tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 khâu đột khá chiến lược,...) đã đi qua một phần ba thời gian.

Tiến độ thực hiện các mục tiêu đến nay ra sao và đặt ra vấn đề gì?

Ổn định kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô theo nghĩa rộng, bao gồm nhiều nội dung. Với nghĩa hẹp hơn và với nguồn thông tin tháng, người viết đề cập đến nội dung của hai cân đối kinh tế chủ yếu là xuất, nhập khẩu và thu chi ngân sách.

Về xuất khẩu, sau khi liên tục xuất siêu từ tháng 6/2012 đến tháng 2/2013, từ tháng 3 đã chuyển sang nhập siêu với quy mô không nhỏ (tháng 3 gần 550 triệu USD, bằng 5% kim ngạch xuất khẩu, tháng 4 gần 1 tỷ USD, bằng 10,3%); tính chung 4 tháng nhập siêu 722 triệu USD, bằng 1,8% xuất khẩu.

Nguyên nhân tổng quát là so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng trở lại (2 tháng 3 và 4 tăng 12,8%, thấp xa so với 22% của 2 tháng đầu năm), trong khi nhập khẩu tăng cao lên (tương ứng tăng 21,9% so với 14,1%). Tính chung 4 tháng, nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu.

Tình hình này được nhìn nhận ở hai góc độ khác nhau. ở góc độ thứ nhất – có tính chất tích cực – thì từ tháng 6/2012 đến tháng 2/2013 liên tục xuất siêu có nguyên nhân quan trọng là do nhu cầu nhập khẩu giảm bởi đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng bị co lại, nay do nhu cầu nhập khẩu tăng lên chứng tỏ nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng có dấu hiệu thoát dần khỏi trì trệ để phục hồi.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nhập khẩu một số nguyên vật liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu tăng cao hơn tốc độ chung, như sản phẩm hoá chất, bông các loại, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu,... hoặc tuy còn giảm nhưng đã giảm ít hơn, như xăng dầu. ở góc độ thứ hai theo ý nghĩa tiêu cực – thì việc nhập siêu trở lại sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán tổng thể, dự trữ ngoại hối, tỷ giá.

Việc kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích và cần kiềm chế nếu không tăng cường sẽ gia tăng trở lại.
 
Nhìn từ ba mục tiêu vĩ mô - Ảnh 1
 
4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng) tăng 4,6%, cao hơn tốc độ tăng 4,5% của quý 1.

Về thu, chi ngân sách, với tiến độ thực hiện so với dự toán cả năm còn thấp và thực hiện của tổng thu thấp hơn của tổng chi cả về tỷ lệ so với dự toán năm, cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước, sẽ làm cho việc cân đối ngân sách tiếp tục khó khăn. Trong khi yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu, 3 đột phá chiến lược đòi hỏi cắt giảm, giãn hoãn thu, tăng chi lớn.

Kiềm chế lạm phát

CPI tháng 3 giảm (0,19%), tháng 4 tăng không đáng kể (0,02%), nên tính chung 4 tháng tăng thuộc loại thấp so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Kết quả này được xét trên hai mặt.

Về mặt tích cực, đó là niềm vui cho người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, những người bị thất nghiệp, thiếu việc làm, bởi tỷ trọng tiêu dùng lương thực – thực phẩm trong tổng chi tiêu dùng rất cao, trong khi giá lương thực năm trước đã giảm sâu (giảm 5,66%) 4 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm (giảm 0,93%); giá thực phẩm năm trước tăng thấp (0,95%), năm nay tháng 3 giảm (0,95%), tháng 4 giảm sâu (1,24%).

Đây là tín hiệu khả quan để cả năm thực hiện được mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề để các nhà quản lý, điều hành vĩ mô có thể yên tâm hơn trong việc thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn và các mục tiêu khác mà Quốc hội đã phê duyệt.

Xét ở mặt khác, lạm phát thấp không phải do nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, mà chủ yếu do tổng cầu (bao gồm cả đầu tư và cả tiêu dùng) giảm. Đồng thời các giải pháp kiềm chế lạm phát đã có hiệu ứng phụ là tăng trưởng tín dụng thấp, sản xuất kinh doanh có tỷ trọng vốn vay ngân hàng lớn sẽ thiếu vốn hoạt động; lại gặp lúc người dân “thắt lưng buộc bụng”, nên đầu tư và tiêu dùng đều bị co lại, tồn kho tăng, kéo dài, lan rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực.

Kết quả là sản xuất kinh doanh đứng trước nguy cơ trì trệ, so với cùng kỳ năm trước số DN ngừng hoạt động, phá sản thì tăng, số doanh nghiệp đăng ký mới thì giảm. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã cảnh báo, coi chừng “quá tay” trong kiềm chế lạm phát.

Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng GDP quý 1/2013 cao hơn cùng kỳ năm trước (4,89% so với 4,75%), nhưng chủ yếu do tăng trưởng nhóm ngành dịch vụ cao hơn cùng kỳ, còn 2 nhóm ngành sản xuất sản phẩm vật chất (kinh tế thực) lại thấp hơn cùng kỳ.

Bước sang tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn, nên tính chung 4 tháng tăng 5%, cao hơn của 3 tháng (4,9%). Đáng chú ý, tốc độ tăng 4 tháng năm nay vẫn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (5% so với 5,9%) và việc thấp này diễn ra ở 3 ngành chi tiết là công nghiệp khai khoáng (2,1% so với 3%), công nghiệp chế biến (5,5% so với 6%), sản xuất và phân phối điện (9% so với 12,9%); riêng cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng bằng cùng kỳ (8,8%). Tốc độ tăng tồn kho đến 1/4 là 13,1%, đã thấp hơn các thời điểm trước.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thực hiện 4 tháng mới bằng 25,7% kế hoạch cả năm và giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trung ương quản lý đạt thấp hơn (23,2%) và giảm sâu hơn (giảm 17%).

Riêng vốn FDI đăng ký đạt trên 8,2 tỷ USD, tăng 17%, trong đó đăng ký mới đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng 14,6%, vốn bổ sung đạt gần 3,35 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng) tăng 4,6%, cao hơn tốc độ tăng 4,5% của quý 1.

Tăng trưởng kinh tế vẫn còn gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, cần phải có các biện pháp tháo gỡ kịp thời.