Cuộc đời là một chuỗi ngẫu nhiênTrong căn phòng bộn bề sách vở với những trang bản thảo viết dở, Nhà văn hóa Hữu Ngọc bảo rằng, cuộc đời ông là một chuỗi những điều ngẫu nhiên. Tốt nghiệp Tú tài ở Bắc Ninh, ông vào học Đại học Luật, sau đó lại rẽ ngang làm thầy giáo. Ngẫu nhiên ông đi dạy học, rồi lại ngẫu nhiên làm công tác địch vận, viết báo, trở thành Tổng Biên tập những tờ báo đối ngoại, Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, ngẫu nhiên trở thành một người “xuất nhập khẩu văn hóa” như mọi người vẫn gọi. Vì sáng tác của ông vừa giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài qua tiếng Anh, Pháp, đồng thời vừa du nhập văn hóa các nước vào Việt Nam.
Ông kể, sau khi Hiệp định Genève được ký kết (năm 1954), ông được Bộ Thông tin giao viết cuốn sách “Việt Nam tiến bước” bằng tiếng Pháp để giới thiệu tới các độc giả Pháp về cuộc kháng chiến vì độc lập của Việt Nam, để dư luận Pháp ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trong cuốn này, ông đã giới thiệu Việt Nam - một quốc gia mấy nghìn năm lịch sử, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập. "Có nhiều đoạn, tôi tả về Hà Nội sau ngày 2/9 rất sinh động. Hàng năm, Thông tấn xã tổ chức phát thưởng cho các tác phẩm trong sách và báo; dịp 2/9/2017, tôi đã trích một bài tả không khí hồ hởi khi nước ta cướp được chính quyền. Bài báo đó của tôi được đăng lại sau 20 năm và ngẫu nhiên được giải Nhất đối ngoại. Mọi điều cứ ngẫu nhiên như vậy đấy!” - ông nói.100 tuổi sống qua 3 giai đoạn lịch sử, Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã đóng góp vào việc phát triển văn hóa Việt Nam bằng cách hỗ trợ về tài chính để bảo vệ văn hóa truyền thống và xây dựng văn hóa hiện đại. “Suốt 20 năm là Chủ tịch Quỹ Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam, Quỹ Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam và gần đây là Quỹ Từ thiện văn hóa vẫn hoạt động, chúng tôi đã đi khắp từ Bắc - Nam, giúp đỡ từ thành thị đến nông thôn bảo vệ văn hóa truyền thống và xây dựng văn hóa hiện đại…” - Nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ.Viết sâu nhất lúc cuối đờiHơn 70 năm cầm bút, Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời hơn 30 cuốn sách nghiên cứu văn hóa Việt Nam giá trị, trong đó, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Trong đó, cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” bằng tiếng Anh và tiếng Pháp là cuốn sách đầu tiên giới thiệu sâu sắc, có hệ thống về văn hóa Hà Nội cho người nước ngoài kể từ sau Cách mạng Tháng Tám đến thời điểm ra mắt (năm 1997). Không thuộc nhóm những người có nhiều tác phẩm nhất về Hà Nội, nhưng Nhà văn hóa Hữu Ngọc lại là người có nhiều tác phẩm về Hà Nội viết bằng ngoại ngữ hơn cả. Năm 2010, dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, ông tiếp tục cho ra mắt 10 cuốn sách “Ha Noi, Who are you” bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Mỗi cuốn sách là một câu chuyện đặc biệt giới thiệu về lịch sử Hà Nội. Tiếp đó là cuốn “Hà Nội của tôi” về những nét truyền thống của Hà Nội. Vẫn phong cách lãng du, độc đáo, Nhà văn hóa Hữu Ngọc dẫn độc giả đi khắp các phố phường Hà Nội, thưởng thức cảnh sắc Hà thành, tìm hiểu thú vui của người thành thị, từ những truyền thuyết lâu đời của hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hay đơn giản chỉ là những hàng cây xanh trên mỗi con phố, là những chợ hoa tấp nập ở làng Nghi Tàm, làng Nhật Tân mỗi dịp Tết đến Xuân về…“Về hưu đã gần 3 thập niên, nhưng đây là quãng thời gian, tôi viết được nhiều nhất và sâu nhất về văn hóa. Bây giờ, tôi còn muốn lắm… nhưng nay tai bắt đầu lãng, mắt cũng mờ đi nhiều nên tôi phải nhờ vợ tôi đọc sách báo, thông tin cho tôi nghe. Và chính sinh viên các trường Ngoại ngữ được tôi lựa chọn, hàng ngày đến đọc, viết cho tôi, kết hợp, tôi dạy thêm cho các cháu tiếng Pháp. Nhờ đó, trình độ ngoại ngữ của sinh viên được nâng cao…” - Nhà văn hóa lão thành Hữu Ngọc bộc bạch.