Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NHNN: Triển khai tái cơ cấu đi đôi với xử lý nợ xấu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng là 1 trong 3 nhiệm vụ trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai việc cơ cấu lại các TCTD và đạt được kết quả bước đầu sau 1 năm thực hiện.

NHNN: Triển khai tái cơ cấu đi đôi với xử lý nợ xấu - Ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 1/3/2012), NHNN đã triển khai những giải pháp đồng bộ việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Kết quả bước đầu

 Sau 1 năm thực hiện, công tác này đạt được kết quả bước đầu.

Trong đó, đáng chú ý là an toàn hệ thống các TCTD được cải thiện rõ rệt; nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được đẩy lùi; tài sản của Nhà nước và nhân dân được bảo đảm an toàn; tiền gửi của nhân dân được chi trả bình thường, kể cả ở ngân hàng yếu kém. Các TCTD yếu kém có nguy cơ đổ vỡ đã được NHNN kiểm soát chặt chẽ và từng bước được xử lý bằng các giải pháp thích hợp nhờ đó thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định.  Huy động vốn từ nền kinh tế tăng trưởng khá cao, tín dụng tăng trưởng bền vững theo hướng tập trung cho lĩnh vực sản xuất nông  nghiệp, phát triển nông thôn, hỗ trợ xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Các TCTD từng bước cơ cấu lại hoạt động theo hướng lành mạnh; thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng từng bước đi vào ổn định và trật tự, kỷ cương dần được củng cố; lãi suất VND có chiều hướng giảm; tỷ giá ổn định; tình trạng đô - la hoá, đầu cơ găm giữ vàng, ngoại tệ từng bước được giảm bớt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Hệ thống quản trị, kiểm soát và kiểm toán nội bộ được các TCTD chú trọng củng cố. Các TCTD tích cực lành mạnh hoá tài chính thông qua tăng vốn điều lệ để cải thiện các chỉ tiêu lành mạnh tài chính và an toàn hoạt động.

Những thách thức được lường trước

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quá trình tái cơ cấu sẽ có không ít khó khăn cần phải nỗ lực vượt qua.

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các TCTD nói chung chưa hoàn thiện. Cụ thể: Thiếu cơ chế can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với các TCTD yếu kém dẫn đến xử lý chưa kịp thời, dứt điểm pháp nhân của các TCTD yếu kém; hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đã được cổ phần hóa nên hạn chế khả năng tham gia xử lý TCTD yếu kém thông qua sáp nhập, mua lại TCTD yếu kém; thiếu các cơ chế, chính sách, khuyến khích miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ TCTD trong xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay, các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế, phí liên quan đến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại để hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại TCTD.

Thứ hai, việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý các TCTD yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian để thanh tra, kiểm toán để đánh giá thực trạng tài chính của từng ngân hàng với nhiều thủ tục, quy định. Trong khi đó, việc xử lý các TCTD yếu kém đòi hỏi phải nhanh để hạn chế tổn thất và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc xử lý các NHTM cổ phần yếu kém thời gian qua chậm hơn so với kế hoạch dự kiến.

Thứ ba, sự thiếu hợp tác hoặc chống đối từ phía cổ đông lớn của các NHTM cổ phần yếu kém đối với các chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN, gây khó khăn cho quá trình cơ cấu lại đối với các ngân hàng này.

Thứ tư, thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống TCTD, làm chậm tiến trình cơ cấu lại TCTD.

Thứ năm, một số TCTD chưa chú trọng tăng năng lực quản trị kinh doanh, sử dụng vốn chưa hiệu quả, đồng thời thiếu sự minh bạch về hoạt động, kết quả tài chính...

Giải pháp tổng thể trong 3 năm tới

Trong giai đoạn từ 2013 - 2015, NHNN triển khai một số giải pháp tái cơ cấu các TCTD như sau:

Năm 2013 hoàn thiện một bước quan trọng khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định an toàn hoạt động ngân hàng để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các TCTD; tiếp tục triển khai các giải pháp lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, bao gồm xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ; triển khai cơ cấu lại hoạt động và quản trị; tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý các TCTD yếu kém; cơ cấu lại các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính; tạo điều kiện cho TCTD sáp nhập, hợp nhất trên nguyên tắc tự nguyện và quy định của pháp luật để xử lý TCTD yếu kém và tăng cường khả năng cạnh tranh của TCTD. 

Năm 2014 sẽ hoàn thành căn bản cơ cấu lại tài chính của tổ chức tín dụng; các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ mức vốn điều lệ thực và các chuẩn mực, giới hạn an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định pháp luật; tiếp tục triển khai cơ cấu lại hoạt động và quản trị; tiếp tục sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện.

Năm 2015 sẽ hoàn thành cơ cấu lại hoạt động và quản trị, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp củng cố, chấn chỉnh và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nêu trên, đến năm 2015 hệ thống các TCTD Việt Nam được lành mạnh hóa một bước quan trọng về tài chính và hoạt động, giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước trong hệ thống ngân hàng. Quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được tiến hành với chi phí thấp nhất, loại trừ nguy cơ đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát, bảo đảm giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Việc tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại nêu trên cần một quá trình lâu dài, sự hỗ trợ tích cực từ các Bộ, ngành có liên quan và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ... Qua đó, sẽ tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, góp phần thực hiện thành công Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.