KTĐT - Chạy đua tăng lãi suất khi hoạt động cho vay đã bị siết lại, các ngân hàng lý giải mình đang thiếu vốn, nhưng Ngân hàng Nhà nước bác bỏ thông tin này và yêu cầu giữ nguyên mức trần lãi suất 14% một năm.
“Tại sao một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên trên mức 14%? Phải chăng các nhà băng này có vấn đề về thanh khoản? Và tại sao họ lại khó về vốn thanh toán tại thời điểm này?”. Đây là những câu hỏi được Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Dương Thu Hương đặt ra tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của ngành ngân hàng tổ chức ngày 3/3.
Là một chuyên gia tiền tệ am hiểu tình hình các ngân hàng, bà Hương thừa nhận một thực tế là trong những ngày qua, lãi suất huy động tại một số nhà băng đẩy qua ngưỡng đồng thuận 14% vốn được thiết lập sau vụ “vượt rào” của Techcombank hồi cuối năm ngoái.
“Lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã không còn ở 14%. Có người nói với tôi là 16%, có người bảo 17% hoặc hơn thế nữa. Nhưng chắc chắn đây là sự thực chứ không còn là dư luận đồn đại”, bà Hương quả quyết.
Cũng theo vị chuyên gia này thì việc “vượt rào” nói trên đã diễn ra trên diện rộng, chứ không chỉ ở một vài chi nhánh, phòng giao dịch mới thành lập của các ngân hàng, đang cần quảng bá. Và điều này chỉ có thể do một nguyên nhân duy nhất là thiếu thanh khoản
Theo lập luận của bà Hương, trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cắt giảm mạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay xuống dưới 20% (mức thấp chưa từng có), nếu khả năng thanh toán bình thường, các nhà băng không cần phải nâng lãi suất đầu vào để tăng huy động.
Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng việc các tổ chức tín dụng gặp khó về thanh khoản tại thời điểm này, nhiều khả năng, là do cơ quan quản lý đã rút một lượng tiền lớn ra khỏi thị trường trong thời gian ngắn, nhằm mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng và phương tiện thanh toán.
“Lượng tiền lớn” mà bà Hương nhắc đến chính là số tiền 132.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước “bơm ra” trước Tết Âm lịch để phục vụ nhu cầu thanh toán của các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2, lượng tiền này đã được rút về gần hết và chỉ còn lại khoảng 27.000 tỷ vẫn đọng lại trong lưu thông.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trong buổi trao đổi với báo chí chiều 1/3, việc bơm - hút tiền tệ ra vào nền kinh tế trước và sau Tết đã được tính toán kỹ lưỡng từ trước và số tiền 27.000 tỷ đồng để lại trong lưu thông là hoàn toàn phù hợp với kế hoạch cung ứng tiền tệ của ngân hàng trung ương trong quý một.
Trả lời thắc mắc của bà Dương Thu Hương, Thống đốc ngân hàng cũng khẳng định việc rút tiền về không phải là tác nhân chính, gây ảnh hưởng tới nguồn tiền cho các ngân hàng: “Tuy rút tiền cung ứng trước Tết về nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn mở 2 cánh cửa rất rộng là thị trường liên ngân hàng và thị trường mở (OMO). 2 kênh này vẫn hoạt động bình thường và chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc điều tiết”, Thống đốc khẳng định.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, một số nhà băng hiện có thể đang gặp khó khăn về thanh khoản do chất lượng quản lý tín dụng chưa tốt: “Khi nào thị trường biến động thì đương nhiên tổ chức tín dụng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tổ chức nào quản lý lỏng lẻo thì mức độ rủi ro sẽ cao hơn”, Thống đốc nhận định. Ông cũng lưu ý các ngân hàng Việt Nam nên tích cực học hỏi mô hình quản lý vừa tập trung, vừa phân quyền của các tổ chức tín dụng nước ngoài để hạn chế rủi ro trong tương lai.
Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng hiện tượng một số chi nhánh, phòng giao dịch “vượt rào” lãi suất trong thời gian qua có thể do lãnh đạo ngân hàng giao kế hoạch đầu năm quá cao, khiến cấp dưới phải chạy chỉ tiêu. Thống đốc yêu cầu cơ quan thanh tra - giám sát ngân hàng phải vào cuộc để kiểm tra việc giao chỉ tiêu huy động, vốn đang trở thành “nỗi khiếp sợ” tại các ngân hàng. Qua đó, cũng tiến một bước trong việc xử lý tình trạng “gây rối thị trường” bằng lãi suất, vốn diễn ra dai dẳng suốt thời gian qua.