Nhưng, khác với nhiều người, ông không giữ để làm giàu mà đi phổ biến ở nhiều vùng, ông bảo: Đấy cũng là cách ông báo đáp cuộc đời.Sinh ra và lớn lên tại xóm Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội - nơi có truyền thống làm pháo - từ năm 1993, khi Nhà nước cấm sản xuất pháo nổ, gia đình ông phải đi buôn chuối để kiếm sống.
Nhưng dù rất cố gắng, cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đêm ông không ngủ, trăn trở tìm cách thoát nghèo, nhớ lại lời Bác dạy khi còn tham gia sinh hoạt Đoàn xã: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.
Ông Giáp bên cây cảnh ngũ quả được tạo nên từ phương pháp ghép quả do chính mình nghĩ ra.
Thế rồi, hình ảnh cây cam Canh trĩu quả mà ông được chứng kiến tận mắt trong một lần sang huyện Văn Giang, Hưng Yên mua chuối bỗng ùa về. Một ý nghĩ chợt lóe lên, hay là đi mua giống cam này về trồng, biết đâu có thể giúp mình thoát nghèo.
Nghĩ là làm. Ông mua sách kỹ thuật trồng cam Canh về tìm hiểu để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Vượt qua những khó khăn ban đầu, năm đầu tiên, trừ tất cả các chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng.Sau 2 năm trồng cam, thấy hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định vay vốn ngân hàng thuê thêm hơn 3 mẫu đất ươm cây giống.
Từ kiến thức học trong sách vở và kinh nghiệm, ông đã nghiên cứu cách ghép mắt cam vào gốc bưởi để tăng khả năng sinh trưởng và ra hoa của cam. Với cách làm này, chỉ cần một năm là cây có thể thu hoạch. Cũng từ cách làm này, ông mày mò lai ghép để tạo ra rất nhiều loại quả khác nhau (cam đường, bưởi, quýt, quất, phật thủ…) trên thân một cây bưởi.
Với cách làm này, ông Giáp cho biết, mỗi cây "ngũ quả" ông bán vào dịp Tết với giá từ 1,5 đến 6 triệu đồng. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu về khoảng 700 triệu đồng.Từ vườn cam của gia đình, ông Giáp đã được mời tham gia hội chợ cây ăn quả ở Trà Vinh và qua đó, rất nhiều người biết và tìm đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm.
Đến nay, đã có hàng trăm người được ông giúp đỡ thành công trong phát triển vườn cam Canh chất lượng như: Hòa Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Nam... Điển hình nhất, anh Đinh Công Thắng, 30 tuổi, ở xã Trần Phú, huyện Thanh Oai, được ông Giáp bán chịu toàn bộ cây giống, hỗ trợ tiền mua phân bón và kỹ thuật.
Đến nay, anh Thắng đã có vườn cây rộng 3 mẫu, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 - 900 triệu đồng. Với những việc làm của mình, ông đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng và mới đây, ông đã vinh dự được TP Hà Nội trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".