Kinhtedothi - Trong mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình Việt không thể thiếu món nem rán với cách chế biến đa dạng tùy theo khẩu vị từng vùng miền. Để góp phần làm cho hương vị ngày Tết thêm đậm đà, trọn vẹn với món ăn truyền thống ấy, những hộ sản xuất bánh đa nem ở làng nghề Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức đang làm ngày làm đêm để cho ra lò những mẻ bánh ngon nhất.
Đỏ lửa từ sáng sớm
Về Ngự Câu những ngày này, đâu đâu cũng thấy những phên bánh đa nem mới tráng được phơi dọc các con đường, ngõ xóm, tường nhà như gợi lại sắc màu xưa cũ của làng quê. Mùi thơm của bột gạo xay hòa lẫn với mùi ngai ngái của phên tre làm dịu đi những ồn ã của nhịp sống thường nhật. Dưới cái nắng vàng rộm ấm áp, những người thợ làng Ngự Câu thoăn thoắt đảo những phên bánh tráng ra phơi cho khô đều. Bên trong nhiều ngôi nhà, tiếng máy tráng bánh chạy rì rì, tiếng máy cắt loạt xoạt không ngơi nghỉ. Nhà nào nhà nấy tất bật vào mùa vụ sôi động nhất trong năm - phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Giống như mọi năm, cứ vào tháng Chạp là vợ chồng anh Nguyễn Danh Hiểu lại bận bịu luôn tay luôn chân.
Mới hơn 4 giờ sáng, anh Hiểu đã trở dậy quạt lò, đun nước để tráng bánh, còn vợ anh pha bột, sắp phên. Anh Hiểu cho biết, đang vào vụ nên gia đình phải làm tăng công suất, bình quân mỗi ngày gia đình anh tráng khoảng 90 - 100kg gạo, cho ra lò 1,8 - 2 vạn bánh. Để đáp ứng lượng hàng khách yêu cầu, anh còn phải thuê thêm hai lao động nữa. Với giá bán 11.000 đồng/tập 90 chiếc, mỗi ngày gia đình anh cũng thu được hơn 2 triệu đồng.
Tương tự, vợ chồng bà Đào Thị Lã cũng dậy từ sáng sớm để bắt tay vào việc. Cả 5 lao động trong nhà làm việc không ngơi nghỉ, hết tráng bánh đến phơi, bóc rồi cắt bánh. Mỗi ngày, gia đình bà Lã tráng hết 110kg gạo, cao hơn thời điểm trước 20 - 30kg. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, bà Lã tâm sự, làm bánh đa nem là một nghề rất đặc biệt vì "sáng cấy chiều gặt". Bởi cứ chiều tối, sau khi bánh đã được cắt thành từng miếng tròn, đóng thành thếp là cánh thương lái đến từng hộ gia đình thu gom và trả tiền ngay. "Mấy hôm rồi có thông báo mất điện ban ngày là nhà tôi phải thức thâu đêm để tráng bánh vì áp Tết, năm nào cũng luôn "cháy" hàng. Cứ làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí 29 Tết có hàng họ cũng mua hết" - bà Lã cho biết.
Mộc mạc hương vị Tết
Có lẽ Ngự Câu là một trong số ít ỏi làng nghề trên địa bàn Hà Nội có nghề làm bánh đa nem. Cùng với sự phát triển của công nghệ, những chiếc máy tráng bánh đã có mặt ở đây từ gần chục năm nay cho năng suất cao hơn nhưng vẫn đảm bảo hương vị truyền thống. Theo những người thợ lão luyện ở Ngự Câu, để làm ra được chiếc bánh tráng ngon cần đảm bảo hai yếu tố là kỹ thuật và thời tiết. Gạo để tráng bánh đạt tiêu chuẩn nhất là gạo Q5 vì có độ bột cao lại không dính. Bột gạo ướt được pha với chút muối hạt để đảm bảo hương vị đậm đà và bánh không bị giòn. Đặc biệt, bánh ngon hay không còn tùy thuộc vào khâu phơi. Nếu thời tiết hanh khô, bánh sẽ bị giòn, vỡ vụn. Đáng mừng là năm nay nắng đẹp, có gió Đông Nam nên việc phơi bánh đa nem rất thuận lợi.
Toàn thôn Ngự Câu hiện có khoảng 40 hộ làm bánh đa nem với trên 50 chiếc máy tráng và cũng từng ấy hộ làm nghề thu gom bánh. Cứ chiều chiều, những chiếc xe máy của thương lái đi lại nườm nượp trong làng để gom hàng. Những chiếc bánh đa nem mỏng tang của Ngự Câu theo xe đi khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, góp phần làm tăng thêm hương vị ngày Tết cho mỗi gia đình.
Phơi bánh đa nem ở làng nghề Ngự Câu. Ảnh: Quang Thiện
|
Dù số lượng gia đình làm bánh đa nem không nhiều, song nghề này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Thời gian tới, An Thượng sẽ kiến nghị, huyện cùng các cơ quan chức năng của TP hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh đa nem Ngự Câu. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng |