Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhộn nhịp thị trường Trung thu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn vài ngày nữa là hết "vụ", giống như mọi năm, càng gần đến Rằm tháng Tám, nhu cầu bánh Trung thu đã tăng vọt. Theo các chủ cửa hàng, thời gian cao điểm tiêu thụ bánh Trung thu là khoảng một tuần cận lễ.

Đa số người dân dành thời gian này đi mua bánh, ngoài thói quen còn do tâm lý chờ giảm giá.Chị Hồng Thu ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Mua biếu thì mới mua sớm thôi. Thật ra, giá trị thật không lớn đến mức mấy triệu, thậm chí mấy chục triệu một hộp bánh nhưng người ta cứ tìm mọi cách để thổi giá lên". Ngoài mẫu mã và hương vị, giá cả, người tiêu dùng cũng đã quan tâm hơn đến vấn đề ATTP khi lựa chọn sản phẩm. 
 Gian hàng bánh Trung thu Thủy Tạ thu hút nhiều người tiêu dùng.     Ảnh: Hoài Nam
Gian hàng bánh Trung thu Thủy Tạ thu hút nhiều người tiêu dùng. Ảnh: Hoài Nam
Cùng thời điểm này, thị trường đồ chơi trẻ em cũng không kém phần sôi động. Đồ chơi trẻ em với nhiều chủng loại, mẫu mã bắt mắt tràn ngập đường phố. Nét khác biệt lớn nhất trong dịp Tết Trung thu năm nay là đồ chơi nội - do các doanh nghiệp, cơ sở trong nước sản xuất đã xuất hiện khá nhiều trên thị trường, thậm chí có xu hướng lấn lướt đồ chơi nhập ngoại.
Người tiêu dùng chọn mua bánh Trung thu Kinh Đô tại một ki ốt trên đường Hoàng Quốc Việt vào chiều 5/9.
Người tiêu dùng chọn mua bánh Trung thu Kinh Đô tại một ki ốt trên đường Hoàng Quốc Việt vào chiều 5/9.
Đáng chú ý, bên cạnh các loại đồ chơi truyền thống, năm nay còn xuất hiện một số đồ chơi mới mang tính giáo dục cao như lồng đèn hình biển đảo in hình các anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, ngư dân và biển đảo… cùng những thông điệp hướng về biển đảo in trên thân đèn như: "Bé hướng về biển đảo", "Em yêu biển đảo Việt Nam", "Em yêu chú bộ đội hải quân Việt Nam"... đã thu hút được sự quan tâm, lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh.Chị Thanh Thủy (ở quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Do lo lắng về chất lượng, độ an toàn cũng như tính giáo dục của đồ chơi ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên năm nào cũng vậy, tôi luôn chọn mua cho con mình các loại đồ chơi được sản xuất ở trong nước". 

Để cạnh tranh với hàng ngoại, năm nay, các nhà sản xuất trong nước cũng đã có sự quan tâm hơn tới mẫu mã cũng như tính năng, tác dụng và sự tiện lợi của các loại đồ chơi truyền thống. Một nhân tố không kém phần quan trọng so với mẫu mã, chất lượng sản phẩm chính là giá cả sản phẩm đồ chơi nội địa sản xuất luôn ổn định, hợp với thu nhập của đại đa số các phụ huynh. Mức giá dao động của mỗi sản phẩm vào khoảng từ 15.000 - 150.000 đồng, tùy vào từng loại đồ chơi khác nhau, độ lớn nhỏ khác nhau. 
Năm nay, đèn lồng tại phố Hàng Mã được tiêu thụ mạnh. 			Ảnh: hoài nam
Năm nay, đèn lồng tại phố Hàng Mã được tiêu thụ mạnh. Ảnh: Hoài Nam
Theo nhận định của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội: Phần lớn các mặt hàng đồ chơi nhập lậu hiện nay đều được chế tạo từ vật liệu tái chế nên dư lượng chì hoặc chất độc khác như cadimi, thủy ngân… đều vượt mức cho phép. Đáng lo hơn khi trong số này có khá nhiều các sản phẩm mang tính bạo lực ảnh hưởng không tốt đến nhân cách của trẻ em. Ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: ngay từ đầu tháng 8, Chi cục QLTT đã triển khai kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển mặt hàng này. Đặc biệt đẩy mạnh kiểm tra các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên các tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân… Đối với những trường hợp kinh doanh, vận chuyển đồ chơi bạo lực, phản cảm nhập lậu, không dán tem hợp quy, chủ hàng ngoài việc bị tịch thu tiêu hủy hàng hóa vi phạm còn bị áp dụng Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ trong việc xử lý hàng hóa vi phạm với mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng.