Hiện, tại một số khu vực như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành..., giá nhà đất đang có biểu hiện “sốt” lên từng ngày. Đồng loạt tăng giá Theo ghi nhận của phóng viên, ở hầu hết các xã giáp ranh TP Hồ Chí Minh thuộc huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, giá nhà đất đang có sự tăng trưởng khá mạnh. Điển hình như tại xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), giá đất nền đã tăng từ 1 - 1,5 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng 2 tháng. Cụ thể, giá đất mặt tiền đường lớn tăng từ 4 triệu đồng/m2 lên mức 5,5 - 6 triệu đồng/m2. Giá đất mặt tiền hẻm nhỏ cũng tăng từ 2,2 triệu đồng/m2 lên 2,5 - 3 triệu đồng/m2. Tại một số xã khác thuộc huyện Nhơn Trạch như Long Thọ, Đại Phước, Phú Hữu, Long Tân..., giá đất nền đều tăng bình quân từ 1 - 1,5 triệu đồng/m2. Chẳng hạn như tại xã Long Thọ, giá đất nền tăng từ 4 triệu đồng lên 5 triệu đồng/m2; xã Long Tân, giá đất ở mức trung bình là 2 - 3 triệu đồng/m2.
Trao đổi với phóng viên, anh Ngô Quang Cường - một "cai thầu" ở xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) cho biết, tại một số trục đường chính trên địa bàn, giá đất chưa sổ đỏ dao động từ 2 - 3 triệu đồng/m2. Còn đối với những lô đất thổ cư, đã có sổ đỏ, có mặt tiền đường lớn, giá trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/m2. "Vài tháng trước, một lô đất nền chỉ có giá từ 180 - 200 triệu đồng nhưng bán không có người mua, nay cũng lô đất ấy, giá tăng lên tới 250 - 300 triệu đồng thì lại không có mà bán...” - anh Cường hồ hởi. Trong khi đó, tại một số xã thuộc địa phận TP Biên Hòa, giá đất cũng đang có xu hướng tăng dần. Theo mặt bằng chung, giá đất tại các khu vực này đang tăng từ 1 - 2 triệu đồng/m2. Khác với sự "tăng trưởng tự phát" như tại Nhơn Trạch, khu vực TP Biên Hòa (giáp ranh quận 9, TP Hồ Chí Minh) có khá nhiều dự án được đầu tư bài bản bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điển hình như dự án Khu đô thị Long Hưng do HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Donaco.op) làm chủ đầu tư. Dự án nằm cạnh khu du lịch sinh thái Sơn Tiên và sân golf Long Thành, cách trung tâm TP Biên Hòa 7km. "Đất nền tại khu đô thị này đang có giá bình quân khoảng 7,1 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khách hàng chỉ cần bỏ ra 195 triệu đồng (tương đương 30% giá trị lô đất) là đã có thể sở hữu ngay một nền đất 100m2. Người mua có thể trả chậm 6 tháng không lãi suất" - Nguyễn Tăng Trưởng - nhân viên môi giới Sàn BĐS Eximrs cho biết. Đua nhau làm “cò” đất Sự sôi động của thị trường nhà đất Đồng Nai đang trở thành động lực kích thích giới “cò” đất hoạt động nhộn nhịp trở lại. Theo ghi nhận, đã có tình trạng nhiều người dân đua nhau đi làm nghề này. Thậm chí một số người còn bỏ cả công việc buôn bán hàng ngày để đi làm "cò". Tại xã Long Tân, nhiều quán café... kiêm môi giới nhà đất đã nhanh chóng mọc lên. Tại đây, những ông "cò", bà "cò” hàng ngày tề tựu, vừa nghe ngóng thông tin, thảo luận về giá nhà, giá đất, vừa bàn bạc chiến lược “câu khách”, khấp khởi chờ thời "đổi vận". Theo nhiều người dân tại xã Long Tân, phần lớn đây là những tay “cò” mới nổi chứ không phải "dân chuyên nghiệp". Những “nhà môi giới tay ngang” này có thể là thợ hồ, cũng có thể là chủ quán café hoặc chủ tiệm tạp hóa... Ngoài Long Tân, tại một số xã lân cận thuộc huyện Nhơn Trạch, số lượng “cò” đất cũng nổi lên không kém. Điển hình như tại xã Đại Phước, chỉ một đoạn đường chừng hơn 1km đã có đến cả chục tấm biển hiệu "mua bán nhà - đất" mới coóng được dựng lên. Thậm chí, có những cửa hàng giải khát dù không dựng "bảng quảng cáo nhà đất", nhưng khi cần, chủ quán vẫn có thể tư vấn địa điểm, giá nhà đất một cách... rất chuyên nghiệp. Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lợi, chủ một quán café - giải khát trên đường ĐT769 (đoạn qua xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) được biết, 2 tháng gần đây, có rất nhiều người đến hỏi mua đất tại huyện Nhơn Trạch. Do giá đất ở đây đang tăng lên hàng ngày, nên nhiều người kéo nhau đi làm “cò”. Theo bà Lợi, việc làm cò "vừa khỏe vừa có thu nhập cao, nên nhiều người ham". "Với những người làm nghề này lâu năm thì không nói, nhưng có những người chưa bao giờ làm, không hiểu biết mấy về giá cả thị trường cũng đi làm "cò". Không biết họ "cò kéo" kiểu gì chứ không khéo lại thành lừa người ta thì mang tội..." - bà Lợi nói.
Một quán café - giải khát... kiêm môi giới nhà đất tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Việt Tâm |
Chuyên gia nhận định Nhà đầu tư nên thận trọng Hạ tầng kết nối hoàn thiện, cùng với đó là việc Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng cầu Cát Lái đã thổi một "luồng sinh khí mới" vào thị trường bất động sản (BĐS) Đồng Nai. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước khi quyết định xuống tiền. Đây là nhận định của bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS Exim (Eximrs). Theo bà Tú, trong bối cảnh quỹ đất của TP Hồ Chí Minh đang ngày càng khan hiếm, thì thị trường BĐS Đồng Nai có xu hướng đi lên là điều dễ hiểu. Bởi đa số các dự án tại Đồng Nai đều có giá vừa phải, được quy hoạch đồng bộ, chủ đầu tư có nhiều ưu đãi… Bên cạnh đó, việc hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ thông qua tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là một điểm cộng thu hút nhà đầu tư. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư có tên tuổi như Vina Capital, Dragon Capital, Donacoop... với những dự án "triệu đô" đã cho thấy thị trường đất nền Đồng Nai đang có sức hút ngay cả với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, khả năng giá đất tại những khu vực giáp ranh với TP Hồ Chí Minh như Biên Hòa, Nhơn Trạch… sẽ còn tăng trong thời gian tới. Trong đó, biên độ tăng giá có thể dao động từ 1 - 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ dự án (nguồn gốc đất, tình trạng pháp lý, quy hoạch...), chủ đầu tư đánh giá khả năng sinh lời… trước khi quyết định xuống tiền. Bởi không phải đến bây giờ, mà thị trường đất nền tại Đồng Nai đã từng rất sôi động ở thời điểm Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng. Tuy nhiên, việc một vài nhà đầu tư thâu tóm quỹ đất khu vực gần sân bay, đồng thời “thổi” giá vô tội vạ đã khiến thị trường lên cơn sốt ảo, nhiều nhà đầu tư “tiền mất tật mang”. Việt Tâm ghi |