Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhức nhối nạn chiếm dụng vỉa hè về đêm

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng ăn, uống tại nhiều tuyến phố gây mất ATGT, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường (VSMT)... đã là vấn nạn nhức nhối tại Hà Nội.

Dù các cơ quan chức năng ra quân dẹp bỏ liên tục, nhưng căn bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa và vẫn diễn ra tràn lan, nhất là vào thời điểm từ cuối giờ chiều đến đêm.
Quán xá tràn lan vỉa hè khi thành phố lên đèn
Trong giờ hành chính, tại nhiều tuyến phố, việc lập lại trật tự trên vỉa hè rất nghiêm túc, thế nhưng ngoài thời gian này thì công sức của lực lượng chức năng hầu như trở về số 0. Khảo sát thực tế cho thấy, khi TP bắt đầu lên đèn thì tại rất nhiều tuyến phố, vỉa hè lại xôm tụ, nhộn nhịp bởi quán xá, hàng ăn. Tại phố Đặng Văn Ngữ, cứ đến buổi tối là vỉa hè đối diện Hồ Đắc Di đã thấy bàn ghế bày biện la liệt, khách ăn nhộn nhịp. Tuyến phố Đội Cấn - Giang Văn Minh cũng luôn tấp nập về đêm với hàng chục quán nem lụi nằm dọc vỉa hè, lấn chiếm hết lối đi. Những quán ăn này đều khá đắt khách. Mặc dù chủ hàng đã bố trí sọt rác để ngay cạnh bàn, song hầu như sau khi sử dụng giấy ăn là khách tiện tay vứt ngay xuống đất. Do đó, chỉ sau một vài loạt khách đến ăn, cả đoạn vỉa hè “trắng xóa” bởi giấy do khách vứt xuống.

Hàng bia chiếm hết vỉa hè, lấn cả chỗ của điểm chờ xe buýt trên phố Trần Đại Nghĩa.

Quan sát tại những hàng cơm rang, phở xào trước số 17 - 19 phố Lê Thanh Nghị, chủ quán không chỉ bố trí bàn ghế ra vỉa hè mà còn dựng những tấm biển quảng cáo ra tận lòng đường, gây ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông vốn đã dày đặc phương tiện vào giờ tan tầm. Không những xả rác, tại những hàng ăn này lượng dầu mỡ, mắm, muối... rơi vãi ra vỉa hè trong quá trình nấu nướng, ăn uống đã làm cho cả đoạn vỉa hè luôn trong tình trạng nhớp nhúa, trơn trượt… Trong khi đó, tại nhiều con phố cổ, cứ chiều tối và đêm lại trở nên ngột ngạt, bức bối khi lượng khách đổ về chật kín, hàng quán hai bên đường đua nhau tận dụng từng mét vuông vỉa hè để xếp bàn ghế “xí chỗ” ngay cả khi chưa có khách.
Gánh nặng cho lực lượng môi trường, công an
Với nhiều quán ăn, hàng rong vỉa hè, chỉ sau khi hết hàng, hay lúc vãn khách, việc thu dọn giấy ăn, rác thải mới được quét dọn, vì vậy gây nhiều khó khăn cho công nhân VSMT khu vực. Ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cho biết: Tại các tuyến phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, các hàng ăn vỉa hè buổi tối đêm tồn tại khá nhiều và thường bán đến rất muộn. Đặc biệt, dọc các tuyến phố như Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Mã Mây… mặc dù giờ giới nghiêm của TP quy định cho hoạt động đến 2 giờ sáng, nhưng các hàng ăn vẫn bán đến 4 giờ sáng. Đây cũng là khu vực rác được xả ra lòng đường, vỉa hè rất nhiều. Do vậy, không chỉ khiến công nhân VSMT vất vả, kéo dài thời gian làm việc, nhiều hàng quán còn để phương tiện (ô tô, xe máy) của khách đến ăn ngay dưới lòng đường, khiến việc triển khai cơ giới hóa thu gom rác gặp không ít khó khăn.
Ngoài việc gây khó cho công nhân vệ sinh môi trường, những hàng quán ăn đêm còn là gánh nặng cho lực lượng chức năng. Ông Đặng Trần Vũ - Phó trưởng Công an phường Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, trước đây, tại vỉa hè tuyến phố Đông Tác, Lương Định Của - điểm có nhiều hàng quán ăn đêm với cảnh chèo kéo chào mời khách rất phản cảm. Lực lượng công an phường đã phải rất dày công, kiên trì cắm chốt trong nhiều tháng để dẹp bỏ. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng không thể cắm chốt trong thời gian dài nên khi rút đi thì một số nhà mặt phố lại lập tức bày bán. Khó khăn trong việc xử lý triệt để nên Công an phường Kim Liên đã đưa ra giải pháp là liên quân với lực lượng công an hai phường Trung Tự và Nam Đồng để dẹp bỏ.
Vào ban ngày, việc duy trì được trật tự vỉa hè đã rất khó khăn, nếu trong các giờ buổi tối, đêm chỉ cần nơi lỏng thì cảnh nhếch nhác, lộn xộn ngay lập tức tái diễn. Do đó để khắc phục tình trạng này, chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chế tài xử phạt cần nặng hơn. Đặc biệt, tại các tuyến phố cổ, chính quyền các phường sở tại cần thực hiện nghiêm quy định giờ giới nghiêm của TP. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho chủ quán và người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường tại các quán ăn trên toàn địa bàn.