Tràn lan mỹ phẩm giả
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Chi cục QTTT Hà Nội) qua kiểm tra kho tập kết hàng hóa mỹ phẩm tại số 7 ngõ 95 phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) đã phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả, gồm: 19.144 tuýp kem đánh răng nhãn Sensodyne và Colgate 100ml... Trị giá lô hàng ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Trước đó, Chi cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra Kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam đã phát hiện 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 11 tỷ đồng.Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn vụ mỹ phẩm giả, nhái đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Thực tế, tại các chợ như chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang... hiện vẫn đang bày bán hàng nghìn loại mỹ phẩm từ vô danh đến thương hiệu tên tuổi, như Shiseido, Lancome, Ohui... và tất cả đều có chung đặc điểm, không có tem nhãn nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng. Những sản phẩm này đều có giá rẻ bất ngờ, người mua chỉ phải bỏ ra 200.000 đồng là đã sắm một bộ trang điểm với đầy đủ son, phấn, chì kẻ mắt, kem... trong khi nếu mua sản phẩm chính hãng phải đắt gấp 5 - 10 lần.Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San cho biết: Để “qua mắt” lực lượng chức năng, dân buôn lậu, sản xuất mỹ phẩm giả đã có nhiều thủ đoạn mới, đó là đăng ký xin phép lưu hành đối với một lô sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu đầu tiên. Sau đó, đặt hàng tại nước ngoài sản xuất với chất lượng thấp, giá thành rẻ hơn, và sử dụng giấy phép lưu hành đã được cấp từ trước để tiêu thụ. Đối với mỹ phẩm do DN Việt Nam sản xuất thường vi phạm chất lượng không đúng đăng ký với cơ quan chức năng, không đúng địa điểm sản xuất.
“Đầu năm 2018 lực lượng chức năng đã phát hiện mỹ phẩm do Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ của người mẫu Phi Thanh Vân sản xuất có sự khác biệt thành phần giữa thông tin trên kết quả kiểm nghiệm, nhãn sản phẩm với phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Công ty cung cấp” - ông San nêu ví dụ.Nhiều lỗ hổng trong quản lýNguyên nhân khiến mỹ phẩm giả nhãn mác, kém chất lượng vẫn được sản xuất và tiêu thụ tràn lan trên thị trường là do hành lang pháp lý, chế tài xử lý còn thiếu, chưa có bộ quy chuẩn thế nào là hàng giả. Quy định cũng chưa rõ ràng nên việc xác định hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để xử lý không đơn giản. Đặc biệt, việc khởi tố đã khó, xử lý hình sự còn khó hơn, trong khi làm hàng giả, hàng kém chất lượng dễ, lợi nhuận cao.
Dẫn chứng cho nhận định này, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại Trần Hùng chia sẻ: Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP đưa ra quy định về khung hình phạt với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa mức phạt cao nhất chỉ từ 7 – 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Chế tài xử phạt quá thấp không đủ sức răn đe vi phạm. Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam Đỗ Thanh Lam cho biết, theo quy định hiện hành, DN chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý Nhà nước về sản phẩm, đồng thời cam kết trong sản phẩm không có những chất cấm, chất không được phép sử dụng là có thể sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường để tiêu thụ. Cơ chế thông thoáng nhưng lại thiếu hậu kiểm đang là tác nhân khiến mỹ phẩm giả, kém chất lượng vẫn có đất sống. Để công tác đấu tranh chống nạn sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả đạt hiệu quả cao hơn rất cần sự vào cuộc phối hợp giữa lực lượng chống buôn lậu, hàng giả với chính quyền địa phương. Đồng thời cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Về phía người tiêu dùng khi mua bất cứ sản phẩm nào đều nên lựa chọn kỹ từ tem mác, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, không nên ham rẻ mà làm hại sức khỏe chính bản thân.