Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhức nhối vấn nạn “cát tặc”: Làm sao xử lý triệt để?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc xử lý nạn “cát tặc”, bãi vật liệu xây dựng (VLXD) trái phép hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, đã đến lúc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết của các cơ quan chức năng.

Tàu hút cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Phú Xuyên.
Tàu hút cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Phú Xuyên.
Hơn nữa, mỗi người dân cũng cần có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên của quốc gia, đấu tranh với hoạt động phi pháp… Các ban, ngành, chính quyền có những giải pháp nào, còn gặp khó khăn gì trong việc xử lý? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Văn Hùng xung quanh vấn đề này.

Bài 3: Địa phương phải tăng cường công tác quản lý

Xin ông cho biết, trên địa bàn TP hiện có bao nhiêu công ty, DN được cấp phép khai thác cát và sử dụng bãi tập kết VLXD? Tình trạng các bãi chứa, trung chuyển VLXD hiện nay hoạt động thế nào?Nhức nhối vấn nạn “cát tặc”: Làm sao xử lý triệt để? - Ảnh 1

- Trên địa bàn TP hiện có 12 đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát làm VLXD thông thường. Các đơn vị này được phép khai thác cát bãi nổi lòng sông. Hoạt động khai thác trong mùa khô, diễn ra từ ngày 1/11 - 15/5. Tình trạng bãi chứa, trung chuyển VLXD hoạt động không có thủ tục pháp lý về đất đai, môi trường, hoạt động bến thủy nội địa không có phép và vi phạm pháp luật về đê điều vẫn còn diễn ra phổ biến. Trong thời gian qua, UBND cấp huyện đã tăng cường chỉ đạo kiểm tra, lập biên bản vi phạm, ra quyết định đình chỉ hoạt động, quyết định xử lý vi phạm pháp luật đất đai, đê điều, bến thủy nội địa, yêu cầu giải tỏa VLXD trên bãi. Tuy vậy, việc chấp hành của các đơn vị hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD chưa nghiêm. Hầu hết các đơn vị không thực hiện di dời giải tỏa VLXD ra khỏi bãi chứa và vẫn tiếp tục hành vi vi phạm kéo dài qua nhiều năm.

Trước thực trạng vi phạm trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD phổ biến và kéo dài nêu trên, hầu hết UBND cấp huyện và UBND cấp xã mới chỉ thực hiện việc ra văn bản xử lý vi phạm, chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm.

Gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép tại một số quận, huyện có chiều hướng phức tạp, gây bức xúc cho người dân?

- Đúng vậy! Thời gian gần đây, tại một số địa phương như huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên đã xảy ra tình trạng hút cát lòng sông Hồng trái phép. Các đối tượng vi phạm thường hoạt động lén lút vào ban đêm và lợi dụng các khu vực giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hưng Yên để tránh sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do UBND các tỉnh lân cận đã cấp phép cho một số đơn vị khai thác cát lòng sông khu vực giáp ranh với Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình cấp phép chưa có sự phối hợp với Hà Nội về xác định địa giới, do vậy có trường hợp cấp phép chồng lấn sang địa giới Hà Nội và các tổ chức được cấp phép khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác bên phía Hà Nội, gây bức xúc trong Nhân dân.

Phải chăng, do lực lượng chức năng tại các quận, huyện chưa làm hết trách nhiệm nên đã tạo kẽ hở cho nạn khai thác cát và sử dụng bãi tập kết VLXD trái phép trong thời gian qua, thưa ông?

- Trong thời gian qua, lực lượng công an cấp huyện nơi xảy ra hoạt động hút cát trái phép đã tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, CSGT đường thủy (Công an TP) để kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động hút cát trái phép. Trong mỗi đợt ra quân thực hiện kế hoạch thì tình hình khai thác cát trái phép giảm hẳn. Tuy nhiên, sau đó tình hình vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Hiện vẫn còn một số bãi chứa tập kết VLXD ven sông hoạt động trái phép, UBND cấp xã, cấp huyện vẫn còn lúng túng và chưa quyết liệt trong xử lý giải tỏa theo thẩm quyền.

Hàng năm, công tác thanh tra, kiểm tra được tổ chức thường xuyên. Vậy, kết quả của các cuộc thanh, kiểm tra đạt được thế nào?

- Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện ra những bất cập trong công tác cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Qua đó, đã tham mưu cho TP đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa rà soát việc cấp giấy phép bến thủy nội địa để thu hồi 9 giấy phép đã cấp, không gia hạn đối với 32 giấy phép khi hết hạn. Đồng thời, báo cáo UBND TP về thực trạng hoạt động bãi chứa, từ đó TP tăng cường chỉ đạo UBND cấp huyện trong công tác quản lý đất bãi ven sông, ngăn chặn việc lập mới các bãi chứa, từng bước xử lý bãi chứa vi phạm; ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP.

Theo ông, giải pháp gì để quản lý chặt việc khai thác cát và sử dụng bãi tập kết VLXD đúng quy định?

- Để quản lý việc khai thác cát và sử dụng bãi tập kết VLXD, các địa phương phải tăng cường công tác quản lý hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD trên địa bàn, hủy bỏ triệt để mọi văn bản dưới dạng hợp đồng hay hình thức khác để giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép; kiên quyết giải tỏa VLXD trên bãi chứa hoạt động trái phép. Đồng thời, rà soát, kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong hoạt động bãi chứa theo quy định của pháp luật về đất đai, đê điều, GTVT, bến thủy nội địa. Kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương cấp xã nơi để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài, theo đúng chỉ đạo của UBND TP tại Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động bến thủy nội địa trái phép; kiểm tra, xử lý việc kinh doanh tàng trữ cát đen không rõ nguồn gốc (cát do khai thác trái phép) của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD ven sông. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, vây bắt và có chế tài đủ mạnh để xử lý kịp thời các hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép; đặc biệt tại những khu vực trọng điểm, giáp ranh với các tỉnh, như huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Đông Anh... Ngoài phạt tiền, cần phải xử lý tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm. Có như vậy mới sớm chấm dứt được tình trạng khai thác cát trái phép…

Xin cảm ơn ông!
Ngày 12/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc “thị sát” về nạn “cát tặc” trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Phó Thủ tướng cho biết, chỉ riêng Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép có thể làm thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đó mới là một địa phương, còn nhiều nơi khác vi phạm diễn ra rất ngang nhiên, phải làm rõ trách nhiệm mỗi cấp, mỗi ngành từ Chủ tịch xã đến các cấp cao hơn. Nguyên nhân chính là do lực lượng chức năng hoạt động chưa đủ mạnh, sự phối hợp giữa các lực lượng địa phương chưa tốt và trách nhiệm chính vẫn là sự thiếu sâu sát của địa phương...
Tại buổi làm việc với các sở, ngành, quận, huyện về kết quả thực hiện nhiệm vụ xử lý khai thác cát, sử dụng bến bãi trung chuyển VLXD trái phép trên địa bàn TP ngày 20/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, xử lý vi phạm khai thác cát, bến bãi là vấn đề không dễ nhưng không khó tới mức không làm được. Thực tế đã có 10 địa phương vào cuộc khá quyết liệt và bước đầu thu được kết quả tích cực. Trong thời gian tới, các đơn vị phải tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục, răn đe cảnh tỉnh những đối tượng có hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương ven sông. Mặt khác, phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm, tăng dần mức phạt, nếu tái phạm nhiều lần hoặc có hành vi chống đối, phải chuyển cơ quan công an điều tra vào cuộc, kiên quyết xử lý và xử lý dứt điểm. Đồng thời, gắn trách nhiệm với người đứng đầu sở, ngành, quận, huyện trong việc chậm xử lý vi phạm.