Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhức nhối vi phạm an toàn thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuối giấm bằng thuốc diệt cỏ, thịt lợn nhiễm chất cấm, thủy sản tồn dư kháng sinh... là những thông tin khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng mỗi khi chọn mua thực phẩm hay ăn uống.

Trong khi đó, dù xác định năm 2015 là Năm An toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, song công tác quản lý của ngành nông nghiệp vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập.

Một người “đầu độc” nhiều người

Câu chuyện về việc phát hiện 200kg chuối ngâm thuốc trừ cỏ CO 2,4D tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương mới đây khiến cho dư luận thực sự "sốc" vì độ liều lĩnh của các tư thương. Thực tế, việc sử dụng hóa chất để bảo quản, giấm trái cây đã tồn tại từ nhiều năm nay ở Việt Nam, nhất là đối với một số loại quả như đu đủ, chuối, mít, sầu riêng, hồng xiêm. Ngay tại Hà Nội, hồi cuối năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hơn 1.500 ống thuốc thúc chín hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Nếu như, thuốc "thúc chín tố" thường được sử dụng trước đây có nguồn gốc từ hoạt chất Ethrel - một hợp chất hữu cơ có tính acid và ôxy hóa thì thuốc trừ cỏ CO 2,4D lại độc hại hơn.
Lực lượng chức năng kiểm tra rau quả tại siêu thị Fivimart.   	       Ảnh: Quang Thiện
Lực lượng chức năng kiểm tra rau quả tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Quang Thiện
Theo các chuyên gia, chất này khi tồn dư trong cơ thể sẽ làm thay đổi cấu trúc gen, phụ nữ có thể sinh con quái thai. Bản thân người thực hiện phun thuốc diệt cỏ CO 2,4D cũng đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm. Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng phải thốt lên: "Ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ rồi bán ra cho người tiêu dùng là tội ác. Mà đấu tranh với cái ác thì phải quyết liệt, không thể chấp nhận một người đầu độc nhiều người!". Không chỉ sự việc này, tình trạng sử dụng vàng ô mới được lực lượng chức năng phát hiện hồi đầu tháng 10/2015 cũng khiến dư luận “dậy sóng”. Bởi loại hóa chất có thể gây ung thư này vốn được sử dụng để nhuộm màu trong công nghiệp dệt hay làm ve tường trong xây dựng. Tuy nhiên, người chăn nuôi lạm dụng chất này để tạo màu cho da gà và màu đỏ tươi cho thịt lợn, bò. Thêm vào đó, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sau một thời gian lắng xuống đã quay trở lại, trở thành "bóng ma" ám ảnh ngành chăn nuôi như cách nói của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Điều đáng buồn nhất, ngay cả nông sản, thực phẩm xuất khẩu cũng bị đối tác trả về vì lý do chất lượng không đảm bảo. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 9 tháng đầu năm có tới hơn 500 lô hàng thủy sản bị 38 nước nhập khẩu trả về, trong đó 10% lô hàng liên quan tới tồn dư hóa chất, kháng sinh dù được phép sử dụng nhưng chưa đảm bảo thời gian cách li và liều lượng. Những câu chuyện về thịt, rau, tôm cá, hoa quả mất an toàn liên tiếp được "điểm danh" đã vẽ nên một bức tranh nhiều mảng tối trong lĩnh vực quản lý chất lượng ATTP đối với mặt hàng nông sản thực phẩm.

Không chỉ phản ánh bằng những sự việc cụ thể, bức tranh ấy còn được hiện diện rõ nét qua những con số giám sát chất lượng được tiến hành hàng tháng, hàng năm. Số liệu giám sát ATTP nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm của Bộ NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ mẫu vi phạm ATTP còn cao, thậm chí một vài chỉ số ATTP chưa có sự cải thiện so với năm 2014. Cụ thể, qua giám sát có 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc vượt ngưỡng cho phép. Đối với rau, có tới 10,3% mẫu có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, trong khi mức bình quân hàng năm chỉ khoảng 7 - 8%. Còn về sản phẩm thịt, có 16% mẫu thịt phát hiện có khuẩn Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.

Bất cập trong quản lý

Thực trạng các mặt hàng nông lâm thủy sản mất ATTP có mặt tràn lan trên thị trường, ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ sự hám lợi của người sản xuất, kinh doanh, còn phải kể đến sự yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng. Bởi siết chặt quản lý chất lượng ATTP đã trở thành khẩu hiệu được chính vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, thậm chí năm 2015 còn được Bộ NN&PTNT chọn làm Năm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), nhiều địa phương chưa xác định được trọng tâm để đầu tư nguồn lực triển khai. Tính đến nay, mới có 13/63 Sở NN&PTNT có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và cũng chỉ có 18 tỉnh, thành có phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại nhức nhối đã lâu nhưng chưa được xử lý triệt để, quyết liệt như tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong rau, quả, chè, thủy sản... Trong khi việc triển khai ở một số địa phương lại còn dàn trải, mang tính hình thức nên hiệu quả kém. Đặc biệt, các sự cố về ATTP chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng, cung cấp đầy đủ thông tin gây hoang mang cho người dân. Nói về quản lý chất cấm trong chăn nuôi, ông Chu Đình Khu – Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) lắc đầu ngán ngẩm: "Hệ thống pháp chế đã cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo tốt cho hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, sự phối hợp của các bộ, ngành, nhất là chỉ đạo của chính quyền địa phương trong kiểm tra lại chưa quyết liệt và thường xuyên".

Lại nói về câu chuyện quản lý, kháng sinh và chất cấm là hai sản phẩm đang có sự bùng nhùng, đá bóng trách nhiệm giữa hai ngành y tế và nông nghiệp. Về kháng sinh, Bộ Y tế quản lý việc nhập khẩu kháng sinh trên người, còn Bộ NN&PTNT quản lý kháng sinh trên vật nuôi. Tuy nhiên, khi sự việc người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lạm dụng kháng sinh trên vật nuôi, tôm, cá, cả hai ngành đều khẳng định rằng quản lý chặt chẽ?! Vậy nguồn kháng sinh bán tràn lan ngoài thị trường là từ đâu? Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nghi ngờ: "Cục Thú y đã báo cáo nhưng tôi chưa tin tưởng vào báo cáo này nên đề nghị kiểm tra lại".

Còn về chất cấm, hiện nay chủ yếu là các chất thuộc nhóm Beta-agonist như Salbutamon, Clenbuterol và Ractopamine, những chất được sử dụng trong y tế làm thuốc chữa hen, suyễn nhưng có tác dụng tạo nạc, nở mông cho lợn. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, chỉ một lượng nhỏ các chất này được sử dụng làm thuốc, song chắc hẳn phải có người "tuồn" ra thì người dân mới mua được? Trả lời về nghi vấn này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ đã kiểm soát chặt việc nhập khẩu Salbutamon. Còn trên thị trường, người dân vẫn mua được thuốc thành phẩm hoặc nguyên liệu có thể dưới dạng xách tay hoặc nhập lậu! Rõ ràng, sự phối hợp hay trách nhiệm trong quản lý giữa các bộ, ngành vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Hậu quả của tình trạng mất ATTP đối với nông lâm thủy sản đã hiện hữu rõ từ sức khỏe của người tiêu dùng tới "sức khỏe" của nền kinh tế. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, khi nông sản Việt không đảm bảo chất lượng, còn những lô hàng bị "trả về" bởi thiếu ATTP thì hình ảnh của những mặt hàng này sẽ trở nên xấu xí trong mắt các bạn hàng. Bắt đầu từ tháng 11, Bộ NN&PTNT đã phát động đợt cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, kéo dài cho đến hết tháng 2/2016. Động thái này bước đầu tạo ra sức ép cho các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều mà người dân mong mỏi hơn là sau đợt cao điểm ấy, sự cải thiện về chất lượng nông lâm thủy sản liệu có được duy trì hay đâu lại vào đấy? Đây chính là bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp cũng như các địa phương trong thời gian tới.
Công tác kiểm soát ATTP đối với thủy sản xuất khẩu mặc dù đã có chuyển biến nhưng chưa được rõ nét. Trong 9 tháng đầu năm, một số thị trường gia tăng cảnh báo về thủy sản nhập khẩu. Nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến hậu quả các thị trường nhập khẩu áp dụng chế độ kiểm soát tăng cường. Mỗi lô hàng khi đến cửa khẩu nước nhập khẩu đều được lấy mẫu và kiểm nghiệm, trong trường hợp bị kiểm tra tất cả các lô hàng thì rủi ro là rất lớn. Khi tần suất phát hiện các lô hàng vi phạm cao, có thể dẫn đến một số thị trường sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT)

Sử dụng chất cấm đã làm ảnh hưởng lớn tới hộ chăn nuôi chân chính. Để làm tốt đợt cao điểm hành động vì ATTP, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, trong đó phát huy vai trò của nông dân trong việc giám sát sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần dành kinh phí hỗ trợ, khuyến khích nông dân tổ chức các mô hình sản xuất hiệu quả và hỗ trợ công tác kiểm định chất lượng rau, thịt... cũng như đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam