Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những băn khoăn từ việc mang thai hộ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vấn đề "mang thai hộ" có đưa vào luật hóa hay không đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi khi Bộ Tư pháp tổng kết và đề xuất sửa đổi một số vấn đề trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

"Mạch ngầm" thực tế

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ. Nghị định năm 2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học có quy định, Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính.

Tuy nhiên, thực tế vấn đề này vẫn như "mạch ngầm" âm ỉ chảy. Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng phổ biến. Trong khoảng 100 cặp vợ chồng, có 10 - 15 cặp không thể có con. Những cặp vợ chồng hiếm muộn muốn sau khi đã thử nhiều phương pháp khoa học vẫn không có hy vọng sinh con luôn tìm cách nhờ người khác mang thai hộ. Một người phụ nữ kể, sau khi thử nhiều phương pháp, vẫn không thể sinh con, nhưng khát khao làm mẹ luôn thôi thúc chị không ngừng hy vọng. Và nhờ người "dẫn mối", vợ chồng chị đã nhờ một phụ nữ khỏe mạnh mang thai hộ, mặc dù để đạt được kết quả không đơn giản. Bởi hợp đồng phải kèm theo rất nhiều điều khoản và phải "lách" rất nhiều thủ tục… Cuối cùng hai vợ chồng cũng được làm bố, mẹ, tuy nhiên vẫn không khỏi yên lòng, bởi sau này nhỡ đứa trẻ biết được sự thực về người mẹ đã đẻ ra mình.

Những băn khoăn từ việc mang thai hộ - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Chưa có tiếng nói đồng nhất

Khi Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) được đưa ra để đề xuất các nội dung cần thay đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp đưa ra hai phương án cho vấn đề này: Thứ nhất, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, đồng thời cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với những quy định chặt chẽ như: Điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; Hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ; Xác lập quan hệ cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ với đứa trẻ được mang thai và sinh ra. Phương án 2 là cấm mang thai hộ dưới bất kỳ mục đích nào.

Có ý kiến đồng tình với phương án 1 và cho rằng: Như thế sẽ tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, Luật phải quy định cụ thể trường hợp nào được phép, trường hợp nào không… Một số ý kiến khác lại cho rằng, chưa nên cho phép mang thai hộ vào trong Luật, vì đây là vấn đề phức tạp, có thể mang lại hậu quả khó lường cho đứa trẻ sau này và là thỏa thuận trái thuần phong mỹ tục, tập quán của người Việt Nam.

Việc mang thai hộ không nên chỉ nhìn một cách cơ học theo hướng cứ cho phép vì mục đích nhân đạo hay không. Bởi sản phẩm của sự cho phép này là con người - vốn là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Làm thế nào để chống lại mục đích thương mại trong "mang thai hộ" là câu hỏi rất khó trả lời khi ý thức và nhận thức của xã hội về vấn đề này chưa thật tốt. Do đó, Luật cần có thêm quy định mở nhưng chặt chẽ đối với trường hợp đặc biệt và chỉ cho phép người thân, họ hàng mới được hỗ trợ nhau. Nếu Luật quy định không chặt chẽ có thể nảy sinh hiện tượng phát triển "nghề sinh con thuê" kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Hà Thị Thanh Vân Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)