Chiều 20/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng BCĐ và các thành viên BCĐ thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tại Việt Nam tính đến 14h00 ngày 20/03/2020 có 86 người nhiễm Covid-19 tại 16 tỉnh thành phố, trong đó có 17 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 68 trường hợp được cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Tại Hà Nội, đến 14h00’ ngày 20/3/2020, Hà Nội ghi nhận 24 trường hợp dương tính, chưa có trường hợp tử vong.
Hiện nay dịch bệnh đang lan rộng ra các nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu, Trung Đông, Mỹ và một số nước khu vực Đông Nam Á với số ca mắc và tử vong đều tăng. Từ ngày 15/3/2020 Việt Nam chưa áp dụng cách ly hành khách nhập cảnh với một số nước vì vậy vẫn còn những hành khách từ các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Hà Nội chưa qua 14 ngày có nguy cơ nhiễm bệnh, đây là nguồn lây truyền cao cho cộng đồng trong thời gian tới.
Đến nay tất cả các ca bệnh ghi nhận tại Việt Nam đều được xác minh rõ nguồn gốc, tuy nhiên việc xác định các trường hợp có liên quan với một số ca bệnh còn gặp khó khăn và có thể chưa được triệt để (do người bệnh chưa khai báo hết) nên nguy cơ có thể xuất hiện những ca bệnh mới từ những đối tượng này. Đối với những ca mới ghi nhận do sàng lọc tại cửa khẩu và khu cách ly tập trung nên ít có nguy cơ lây lan ra cộng đồng hơn vì đã được tổ chức cách ly ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, tất cả thông tin về trường hợp mắc Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đều công khai minh bạch để người dân biết, chủ động khai báo khi có tiếp xúc. Định hướng dư luận để tránh hoang mang trong tình huống dịch bệnh diễn biến xấu và có thể xuất hiện trường hợp tử vong. Thành phố đã xây dựng phần mềm ứng dụng Hà Nội SmartCity để hỗ trợ quản lý theo dõi diễn biến tình hình dịch, giám sát các trường hợp thuộc diện phải cách ly.
Thời gian tới, TP ưu tiên kiểm soát tốt cửa khẩu, sân bay Nội Bài, nhất là những ngày tới sẽ tiếp tục có nhiều du học sinh Việt Nam từ các nước trở về; tổ chức khai báo y tế bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài theo quy định. Rà soát tất cả các kịch bản phòng, chống dịch của Thành phố để sẵn sàng thực hiện khi cần thiết góp phần kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố và cả nước.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở, tổ dân phố, công an khu vực trong việc giám sát phát hiện những người từ vùng có dịch, những người có liên quan tới ca nhiễm Covid-19 cư trú/lưu trú trên địa bàn nhưng chưa khai báo; tổ chức giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định cách ly y tế đối với những trường hợp cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Yêu cầu các cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai báo thông tin khách du lịch lưu trú để quản lý, giám sát sức khỏe; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy suất hành trình của du khách phục vụ giám sát dịch tễ.
Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng chống dịch. Tiếp tục rà soát để bổ sung trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng. Xây dựng phương án huy động nhân lực từ các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành trên địa bàn Thành phổ, huy động sinh viên năm cuối của các trường y tham gia công tác phòng, chống dịch. Thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn, đặc biệt tại các khu vực đã xuất hiện ca bệnh, khu vực có người tiếp xúc với ca bệnh, khu vực công cộng như như bến tàu, xe, chung cư, trường học...
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, nắm rõ các dấu hiệu mắc bệnh, chủ động khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, tự giác thực hiện cách ly khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, cung ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, đảm bảo nguồn dự phòng sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống.