Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những cách làm hay, linh hoạt của Hà Nội để lan toả pháp luật

Nhật Nam
Chia sẻ Zalo

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn diễn biến phức tạp, Hà Nội trải qua nhiều đợt giãn cách. Nhưng trong cái khó, TP Hà Nội đã có những cách làm hay, linh hoạt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là giới thiệu các quy định liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19…

Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi trực tuyến ''Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19'' chia sẻ về kết quả cuộc thi.
Cuộc thi lập kỷ lục người dự
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn TP, Hội đồng PBGDPL TP, Sở Tư pháp- cơ quan thường trực luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, TP để ban hành kịp thời văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
Hội đồng phối hợp PBGDPL TP ban hành 03 công văn, Sở Tư pháp ban hành 10 văn bản chỉ đạo tuyên truyền phòng, chống dịch trong đó chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật hay xảy ra, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua nhắn tin zalo đối với người dân, qua loa truyền thanh, loa kéo, trang thông tin điện tử, truyền hình chạy chữ, trên phương tiện thông tin đại chúng, qua mô hình cầu thang pháp luật, qua mạng xã hội, phát hành tài liệu... phối hợp đài truyền hình VTV1 đưa tin trong chương trình thời sự lúc 19h đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn, giúp người dân hiểu nắm rõ quy định pháp luật về phòng, chống dịch từ đó người dân, tổ chức thực hiện chấp hành tốt pháp luật về phòng, chống dịch nhất là trong các đợt cao điểm, thời gian giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.
Hội đồng phối hợp PBGDPL tham mưu UBND TP tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 (từ ngày 20-6-2021 đến 1-8-2021 tại địa chỉ: https://timhieuphapluatpccovid-19.hanoi.gov.vn/). Cuộc thi thu hút 1.032.665 người dự thi, trong đó, khối sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị TP là 58.136 bài dự thi; khối quận, huyện, thị xã là 975.529 bài dự thi. Đây là Cuộc thi trực tuyến TP thu hút nhiều nhất số lượng người tham gia từ trước tới nay, tạo thành phong trào sôi nổi tìm hiểu và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn TP góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Kết quả cho thấy, nhiều bài dự thi đạt kết quả cao với nhiều giải pháp, sáng kiến trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong phòng chống dịch Covid-19. TP đã trao 68 giải cá nhân, 23 giải tập thể với tổng số tiền giải thưởng là 260.000.000 đồng. Nhiều đơn vị có số lượng người tham gia dự thi lớn như: Sở Giáo dục & Đào tạo (10.288 người dự thi), Công an TP (5.517 người dự thi), Điện lực Hà Nội (4.505 người dự thi), Sở Y tế (2.843 người dự thi), Sở Lao động, Thương binh & Xã hội (1.339 người dự thi), Sở Văn hóa & Thể thao (1.335 người dự thi), Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (1.017 người dự thi), Thành đoàn Hà Nội (430 người dự thi), Huyện Đông Anh (208.317 người dự thi), Quận Cầu Giấy (50.590 người dự thi), Quận Hoàng Mai (30.547 người dự thi), Huyện Thường Tín (29.198 người dự thi), Huyện Quốc Oai (26.018 người dự thi), Huyện Ba Vì (25.370 người dự thi), Quận Nam Từ Liêm (20.610 người dự thi)…
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19
Giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương
Để thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 15-9-2021 về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP thường xuyên đăng tải kịp thời các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của TP, xây dựng panơ tuyên truyền mức phạt xử lý đối với hành vi vi phạm phòng, chống dịch; nhiều chuyên mục thường xuyên cập nhật, đăng tin, bài viết về phòng, chống dịch, xây dựng chuyên mục như Tin tức - sự kiện đưa rất nhiều tin, bài về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP; chuyên mục Giải đáp pháp luật, bạn cần biết, quy định mới, trao đổi kinh nghiệm giúp người dân hiểu hơn về những quy định pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hội đồng phối hợp PBGDPL TP tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ thống truyền thanh ở cơ sở các tài liệu phát thanh Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Mức xử phạt một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 và căn cứ pháp lý,… Tiếp tục triển khai tuyên truyền pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 theo mô hình “Cầu thang pháp luật” qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các tòa nhà chung cư theo mô hình “Cầu thang pháp luật” hoặc màn hình Led trên địa bàn TP. Chỉ đạo các báo, đài: Kinh tế & Đô thị (ấn phẩm Pháp luật và Xã hội), Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội… đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Những con số “biết nói”
Đáng chú ý, Sở Tư pháp TP Hà Nội thường xuyên ban hành văn bản tuyên truyền hành vi vi vi phạm về phòng, chống dịch tập trung vào hành vi, nhóm hành vi hay xảy ra vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mở chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid -19” trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP; thường xuyên đăng tải tin, bài viết, giải đáp pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid -19; tham mưu đẩy mạnh tuyên truyền mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Phối hợp với các báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid -19; In ấn và phát hành 500.000 tờ gấp tuyên truyền mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch...
Sở Thông tin và Truyền thông đã gửi 2.921 tin, bài trên tài khoản “Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội” đến hơn 733 triệu lượt tài khoản zalo trên địa bàn TP, đăng tải 2.075 tin, bài lên tài khoản “Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội” trên mạng xã hội Lotus, lan tỏa 3.865 lượt tin, bài trên các trang thông tin điện tử tổng hợp tuyên truyền về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP; tiếp nhận 179.950 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh của người dân về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 qua tổng đài 1022, holine, tài khoản zalo, hệ thống PC Covid-19, trong đó xử lý 175.537 phản ánh, chuyển các cơ quan chức năng xác minh, xử lý 6.413 phản ánh.
Công an TP tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong qua trình kiểm tra, xử lý các chốt kiểm soát. Bên cạnh đó, hệ thống tổng đài Holine đặt tại Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi của các tổ chức, cá nhân để giải đáp, hướng dẫn người dân về việc cấp giấy đi đường, việc lưu thông liên vùng trên địa bàn TP...
Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật, cụ thể đã ứng dụng phần mềm hội nghị trực tuyến (Zoom Meeting, Microsoft team) phối hợp các trường Đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đoàn luật sư TP tuyên truyền tư vấn pháp luật qua các lớp học trực tuyến cho các em học sinh THPT trên địa bàn TP.
Một số quận, huyện đã triển khai mô hình, cách thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả như: Quận Ba Đình triển khai hàng chục ngàn thư kêu gọi, thư ngỏ, tờ rơi, tài liệu, hàng trăm tin, bài, hình ảnh, video clip, infographic, poster tuyên truyền… trên Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội và các nhóm zalo, viber, fanpage… của các chi bộ, đảng bộ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc quận.
Tại quận Hoàng Mai, các trường học, giáo viên xây dựng powerpoint kèm hình ảnh sinh động được tổ chức vào các giờ sinh hoạt đầu tuần qua zoom giúp học sinh hiểu và biết cách phòng, chống dịch bệnh, phát động chuỗi hoạt động sự kiện “Vui khỏe tại nhà – Tránh xa Covid” hay “Cả nhà khỏe re – Covid quay xe”... Thị xã Sơn Tây truyền tải trên phần mềm ứng dụng, internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, VCNET... Fanpage Diễn đàn thị xã Sơn Tây, đăng tải các bài viết tuyên truyền trên các trang Facebook của các cơ quan, đơn vị, địa phương...
Quận Hai Bà Trưng tuyên truyền trong quá trình vận chuyển đến nơi cách ly và trở về nơi cư trú; đoàn xe cổ động, xe Công an các phường đi tuần tra kết hợp tuyên truyền. Huyện Ba Vì đẩy mạnh tuyên truyền loa kéo tại các khu cộng công tuyên tuyền xe lưu động, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội như xây dựng nhóm Ba Vì xanh trên facebook, xây dựng video hướng dẫn thủ tục hành chính, tuyên truyền trên Youtube...
Về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội, Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp, TP Hà Nội đã lựa chọn những cách tuyên truyền phù hợp, linh hoạt để công tác phổ biến pháp luật hiệu quả. Năm 2021, Hà Nội đã đẩy mạnh giới thiệu các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt những chế tài xử phạt. Thông qua cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật phong phú khác của các cơ quan, đơn vị, cơ sở, công tác truyền thông trong lĩnh vực này đã đạt hiệu quả tích cực, góp phần vào nỗ lực chung của TP trong đẩy lùi dịch bệnh.
Thành đoàn Hà Nội triển khai trào lưu Mạng xã hội “Stay home - stay safe - be happy”. Trào lưu được triển khai theo hình thức khuyến khích đoàn viên, thanh niên hưởng ứng quay clip cổ vũ phòng dịch với hình ảnh chiếc khẩu trang được gửi tặng “online” cùng thông điệp “5K + Vaccine”. Trào lưu Mạng xã hội “Thanh niên Hà Nội - Không vội ra đường” được triển khai theo hình thức khuyến khích đoàn viên, thanh niên hưởng ứng quay clip tại nơi cư trú với đoạn nhạc dài 25s mang thông điệp cổ vũ phòng dịch qua điệu nhảy và lời hát.