Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những “cánh tay nối dài” của ngân hàng chính sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua hoạt động ủy thác cho vay qua các hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu...

Kinhtedothi - Thông qua hoạt động ủy thác cho vay qua các hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Phụ nữ… của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh TP Hà Nội, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đã được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm… Nhờ những “cánh tay nối dài” này, đồng vốn chính sách đã và đang đi sâu hơn, xa hơn và phát huy hiệu quả nhiều hơn.

Lặn lội cùng người vay vốn

Gần 70 tuổi nhưng tuần nào ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch Hội CCB xã Phương Trung (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng cần mẫn đạp xe đến nhà từng hội viên có vay vốn NHCSXH để tìm hiểu và giúp đỡ họ sử dụng vốn vay. Ông vui với niềm vui làm ăn phát đạt của hội viên, và buồn cùng nỗi buồn của họ mỗi khi làm ăn gặp trắc trở, khó khăn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Lưu Tế  Đặng Thị Nhàn trao đổi với hộ gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Lưu Tế Đặng Thị Nhàn trao đổi với hộ gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội nông dân.
Đầu năm 2010, Hội CCB xã Phương Trung bắt đầu đứng ra tín chấp vay vốn NHCSXH huyện Thanh Oai. Chỉ sau 5 năm, Hội đã nhận ủy thác từ NHCSXH huyện Thanh Oai số vốn gần 6 tỷ đồng, giúp hơn 450 hộ vay phát triển kinh tế gia đình và 50 hộ CCB phát triển DN, dịch vụ, trang trại. Số vốn này cũng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động mỗi năm. Đại diện NHCSXH huyện Thanh Oai cho biết, là hội các cụ cao tuổi, sức khỏe yếu nhưng Hội CCB xã Phương Trung lại là một hội, đoàn thể đứng đầu trong công tác ủy thác cho vay của NHCSXH Thanh Oai với dư nợ cao nhất và không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Cũng đóng góp tích cực trong việc đưa vốn chính sách phát huy hiệu quả là Hội Nông dân xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Đến nay, dư nợ vốn NHCSXH tại Hội Nông dân xã Phù Lưu Tế là 5 tỷ đồng, đứng đầu trong các hội, đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH huyện Thanh Oai. Trẻ, năng động, chị Đặng Thị Nhàn - Chủ tịch Hội Nông dân Phù Lưu Tế luôn sát cánh cùng các hội viên để tìm giải pháp sử dụng vốn vay hiệu quả nhất. Hàng tháng, chị vẫn đều đặn cùng các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của Hội đi kiểm tra nợ vay, xem các hộ có sử dụng vốn đúng mục đích không và động viên, hướng dẫn các hộ gia đình làm kinh tế. Vì thế, chất lượng tín dụng của Hội Nông dân Phù Lưu Tế rất tốt với tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn bằng 0.

“Kênh” dẫn vốn chính sách hiệu quả
Sau 12 năm hoạt động (2003 - 2014), dư nợ uỷ thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH Chi nhánh TP Hà Nội là 3.638 tỷ đồng (chiếm 77% tổng dư nợ tín dụng). Trong đó, vốn ủy thác qua Hội Phụ nữ là 2.032 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,9%; Hội Nông dân là là 1.114 tỷ đồng (30,6%); Hội CCB là 400 tỷ đồng (11%) và đoàn thanh niên là 92 tỷ đồng (2,5%).
Theo số liệu từ NHCSXH huyện Thanh Oai, đến cuối năm 2014, tổng dư nợ các chương trình là 202.024 triệu đồng, tăng 7,47% so với năm 2013 với 14.158 hộ đang có dư nợ. Chất lượng tín dụng tốt, nợ quá hạn chiếm 0,023% tổng dư nợ. Đóng góp vào kết quả này là sự phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác và thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đến tay người thụ hưởng.

Hàng năm, các hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Phụ nữ… đều xây dựng kế hoạch để chỉ đạo các chi hội quản lý sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả. Phối hợp với NHCSXH tổ chức các đợt kiểm tra vay vốn tín dụng tiết kiệm, đánh giá kết quả vay vốn và tiền gửi tiết kiệm, phương pháp quản lý nguồn vốn có hiệu quả và chỉ đạo các chi hội, tổ chức họp các tổ và vốn vay để tuyên truyền các văn bản của cấp trên. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn vay NHCSXH cũng được hội, đoàn thể báo cáo để cùng NHCSXH và các cấp chính quyền tìm cách tháo gỡ.

Ông Mai Văn Ngạn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Đức cho biết, thời gian tới, các cấp hội nông dân trong huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi tới hội viên, nông dân; chỉ đạo các cấp hội nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng ủy thác với NHCSXH; hỗ trợ nông dân kiến thức kỹ thuật, vật tư, công cụ sản xuất; tổ chức tập huấn và phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hội viên sử dụng vốn hiệu quả hơn.