Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những câu chuyện ẩn phía sau các cung đường

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội ngày nay không chỉ mặc định với 36 phố phường. Mỗi năm, Thủ đô lại có thêm hàng chục tên đường phố mới. Và việc đặt tên đường phố ở vùng đất Kinh kỳ xưa nay chẳng bao giờ dễ dàng.

Học lịch sử, văn hóa trên các con phố cũ

Nếu không để ý, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, tên đường phố ở Hà Nội được sắp xếp ngẫu nhiên, song kỳ thực chúng luôn tuân theo quy tắc cụm, trong đó, mỗi cụm ứng với một triều đại, giai đoạn lịch sử nhất định. Chính vì vậy, dạo qua những cung đường thuộc quận Hoàn Kiếm, sẽ thấy tên phố thường gắn với các vị danh nhân thời kỳ đầu dựng nước. Các phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ đều là những con đường lớn nằm gần mạn Hồ Gươm. Gần đó là những cái tên như Đinh Liệt, Đinh Lễ...
Phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, các con phố thời nhà Trần cũng được sắp xếp cùng nhau. Đường Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông nằm sát phố Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành... Không chỉ điểm tên các danh nhân là chính khách, nhiều cung đường Thủ đô lại được lấy tên theo các văn nghệ sĩ có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Những con đường này chủ yếu nằm ở khu vực Hồ Tây thơ mộng như phố Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân, Xuân Diệu và mới đây nhất là đường Trịnh Công Sơn. Một quy luật cũng khá thú vị là xung quanh khu vực Đại học Y Hà Nội là tên các con phố gắn liền với các vị bác sĩ nổi danh như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng…

Bất đắc dĩ phá vỡ quy luật

Quy tắc đặt tên kiểu kết nối này đem lại những điều khá thú vị. Nếu ai thích tìm hiểu lịch sử, chỉ qua những tên phố, họ đã có một bài học về các vị danh nhân có công với đất nước hay những truyền thuyết lịch sử thời xa xưa. Tuy nhiên, quy luật này đôi khi cũng bị phá vỡ trong thời kỳ mới. Nếu tuân thủ đúng quy luật, đường Trần Quang Diệu phải nằm gần đường Bùi Thị Xuân, đường Lê Hồng Phong phải gần đường Nguyễn Thị Minh Khai hoặc đường Nguyễn Trãi phải nằm cạnh đường Lê Lợi thay vì khá xa nhau. Hoặc giữa cụm các danh nhân thời phong kiến như Trần Thánh Tông, Dương Đình Nghệ, Mặc Thái Tổ, Mạc Thái Tông tại khu vực Yên Hòa, Cầu Giấy lại lạc vào một vài tên đường danh nhân thời kỳ hiện đại như Phạm Văn Bạch, Nguyễn Chánh… Theo lý giải của nhà sử học Dương Trung Quốc – thành viên của Hội đồng tư vấn đặt đổi tên, đường phố Thủ đô: “TP Hà Nội luôn mở rộng, nhiều khi khu đô thị này đã lựa chọn những tên danh nhân tương tự cùng thời kỳ. Nhưng sau đó, lại phát sinh đường mới, nên khó lựa chọn được những cái tên đồng điệu”.

Hàng năm, cuối tháng 5, đầu tháng 6, hàng loạt các nhà khoa học tên tuổi ở đủ các lĩnh vực như GS Phan Huy Lê, GS Lưu Trần Tiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc… cùng các nhà quản lý lại đau đầu duy trì cái gọi là quy luật tinh vi của đường phố Hà Nội. Hội đồng gồm hơn 30 người, không phải lúc nào cũng tìm được sự đồng thuận trong mỗi đề xuất của cơ quan quản lý. Theo lời kể của nhà sử học Dương Trung Quốc, như trường hợp của 2 vị vua Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông có đến 3 - 4 lần được lập hồ sơ, nhưng đều gặp phải những ý kiến trái chiều nhau. Hoặc như năm 2014, khi Hội đồng chuyên môn đưa ra đề xuất đặc cách đặt tên đường Võ Nguyên Giáp trên địa phận huyện Đông Anh và Sóc Sơn…, nối từ Trung tâm Thủ đô về sân bay Nội Bài. Hầu hết các ý kiến đều đồng thuận cần đặt tên đường cho vị tướng có công lớn với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đang được Nhân dân mong ngóng. Tuy nhiên, vì thời kỳ đó tuyến đường này đang được xây dựng, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên các thành viên hội đồng đề xuất lùi việc đặt tên vào năm 2015.

 Hiện nay, Hà Nội đang bổ sung ngân hàng tên gọi, đồng thời xây dựng bản đồ dữ liệu toàn bộ các tuyến phố đã đặt tên trên địa bàn Thủ đô. Việc làm này không chỉ giúp quá trình đặt và đổi tên được khoa học hơn, mà còn hỗ trợ cho quá trình phát triển du lịch của Thủ đô.