Kinhtedothi - Một trong những hoạt động thuộc dự án “Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch” mà người ta thường nhắc đến trong những cuộc hội bàn để thúc đẩy văn hóa đọc là “Chuyến tàu kể chuyện”. 9 năm rong ruổi cùng bạn đọc nhỏ tuổi, chuyến tàu ấy đã “chở” theo niềm đam mê đọc sách và mang sách đến cho nhiều trẻ em.
Gieo mầm
Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch (do NXB Kim Đồng phối hợp với Hội nhà văn Đan Mạch thực hiện) đã đi một chặng đường dài từ năm 2006 đến giờ. Đúng như bà Lê Thị Dắt - Giám đốc Dự án từng chia sẻ, với mong muốn gieo mầm và phát triển văn học đọc cho trẻ em, dự án đã thường xuyên tổ chức các “Chuyến tàu kể chuyện”, đem sách đến với thiếu nhi ở khắp các vùng miền trên Tổ quốc, tổ chức các chương trình giao lưu, hướng dẫn, giúp học sinh có phương pháp đọc sách và làm văn hiệu quả. Nhẩm đếm ở thời điểm này, không dưới 50 “chuyến tàu” đã đến với bạn đọc cả nước. Mà mỗi điểm tàu dừng chân, là một lần nhà văn, người làm sách, họa sĩ… lại chia sẻ, giao lưu, tặng sách cho bạn đọc nhỏ tuổi. 16 câu lạc bộ bạn đọc đã được tàu chở tới đặt tại các trường tiểu học, nhà văn hóa…, hơn 43 ngàn bản sách đã theo các “chuyến tàu” đến với các em, chưa kể kinh phí gần 300 triệu đồng để hỗ trợ duy trì hoạt động của các câu lạc bộ bạn đọc.
Trên những chuyến tàu gieo mầm văn hóa đọc ấy, người ta nhiều lần thấy sự đồng hành của các cây bút tên tuổi: Hồ Anh Thái, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Thị Thu Huệ, Sally Altschuler (người Đan Mạch)… và cả các “cây cọ” nổi tiếng như Tạ Huy Long, Phạm Tô Chiêm, Tạ Lan Hạnh… Như những “người trong cuộc” của dự án tính thì có không dưới 200 lượt nhà văn, họa sĩ đã lên các “chuyến tàu” đến với trẻ em. Những “văn phong”, những “hình ảnh minh họa” bước ra từ trang sách quen mà các em đã đọc, có một tác động thực sự bất ngờ đối với niềm đam mê đọc của các em – một thành quả trong việc thúc đẩy văn hóa đọc. Hơn thế, bạn đọc nhỏ tuổi nhiều nơi đã cầm bút viết những tác phẩm tuổi thơ của mình, ví như Câu lạc bộ Hoa Thạch Thảo (Hà Tĩnh) đã cho ra mắt được 2 tập sách, rồi rất nhiều tranh vẽ thể hiện sự hồn nhiên của lứa tuổi. Và người cầm bút thì cũng như được tiếp thêm hứng thú để tiếp tục viết, vẽ về đề tài thiếu nhi – góc sáng tác vẫn bị cho là “trống vắng” trên thị trường sách hiện tại. Nhìn về những “chuyến tàu”, ông Phạm Quang Vinh – Giám đốc NXB Kim Đồng cho biết: Hoạt động của các Câu lạc bộ bạn đọc thực sự trở thành người bạn thân thiết, đem đến cho trẻ em ở nhiều vùng miền niềm vui đọc sách và khuyến khích các em tìm hiểu, khám phá tri thức thế giới xung quanh.
Sự lan tỏa sau những “chuyến tàu”
Những “chuyến tàu” gieo mầm văn hóa đọc, sau hành trình dài đã thu được thành quả nhìn thấy. Trong cuộc gặp gỡ đại diện 12 CLB Bạn đọc của dự án mới đây, người ta được nghe câu chuyện của bạn đọc ở Câu lạc bộ Con thuyền (An Giang), tự sáng tạo ra mô hình Góc đọc sách mỗi tuần chuyển sách đến một lớp học để bạn nào cũng có sách đọc. Hay là mỗi lần “di chuyển” như thế, số sách trong thư viện Câu lạc bộ lại tăng lên vì các bạn tự đóng góp. Và đây không phải là câu chuyện duy nhất về sự lan tỏa văn hóa đọc sau những “chuyến tàu”.
Giai đoạn 2 của dự án (2011 – 2015) sắp kết thúc, người quan tâm đến văn hóa đọc lại băn khoăn, tiếc nuối những “chuyến tàu” mang sách và niềm say mê đọc đến cho bạn đọc nhỏ tuổi. Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định, Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ cố gắng duy trì các hoạt động này tới năm 2017. Song ngay cả khi dự án kết thúc, thì việc giúp trẻ được tiếp cận với sách hay, sách tốt, nuôi dưỡng cảm hứng đọc sách thì sẽ còn cần tiếp tục bằng sự chung tay của những người hoạt động trong lĩnh vực này. Thực tế là nhiều câu lạc bộ đã thống nhất thông qua mạng xã hội để kêu gọi sự vào cuộc nhiều hơn của cộng đồng vì mỗi trang sách cho trẻ thơ.
Nghĩa là những “chuyến tàu” chở văn hóa đọc sẽ không có ga cuối.
Bà Lê Thị Dắt trao quà cho các em trường tiểu học Nguyễn Du, tỉnh An Giang.
|