Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những con số và sự kiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25 tháng 6 năm 2009, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được thành lập...

Kinhtedothi - Ngày 25 tháng 6 năm 2009, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 808/QĐ- BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Trường là Công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Với khẩu hiệu: “Cơ hội học tập – Cơ hội việc làm” và phương châm hành động là truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển; nhà trường đã và đang phấn đấu xây dựng trở thành trường trọng điểm hàng đầu của quốc gia về lĩnh vực Dạy nghề với những điểm nhấn quan trọng sau:

1. Là trường nghề được xây dựng đồng bộ và hiện đại nhất cả nước

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng đồng bộ, trang thiết bị hiện đại hàng đầu quốc gia và khu vực với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng gồm: Nhà Hiệu bộ, các khu làm việc của giáo viên, Ký túc xá sinh viên, Hội trường, Nhà thi đấu, Căng tin, các xưởng thực hành… khang trang, đáp ứng các yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, hội nhập khu vực và thế giới.

Nhà trường đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền – Ủy viên T.Ư Đảng - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, các đồng chí là Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, Lãnh đạo UBND – Thành ủy TP Hà Nội… các bộ, ban, ngành đến thăm, làm việc, kiểm tra và động viên.

2. Là cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra

Trong bối cảnh tuyển sinh ngày càng khó khăn do sự hình thành của nhiều cơ sở đào tạo và loại hình đào tạo. Tuy nhiên, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội luôn đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể: Năm 2010, nhà trường tuyển sinh được 820 sinh viên, năm 2011 là 1.029, năm 2012 là 1.150. Số lượng thí sinh đăng ký theo học tại trường vẫn tiếp tục được giữ vững trong năm 2013 và 2014 với tổng số 820 sinh viên (năm 2013) và 2.100 (năm 2014). Những con số đó đã khẳng định rằng, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội ngày càng trở thành một địa chỉ tin cậy cho các bạn trẻ theo học trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm và làm việc với nhà trường tháng 2/2013.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm và làm việc với nhà trường tháng 2/2013.
3. Là trường nghề đầu tiên thí điểm đào tạo Cao đẳng nghề chất lượng cao, Cao đẳng nghề nâng cao

Ngày 23/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 761/QĐ – Ttg về phê duyệt Đề án: “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”. Theo đó, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được lựa chọn để quy hoạch đầu tư với 5 nghề đạt chuẩn quốc tế (bao gồm các nghề: Điện tử công nghiệp, Thiết kế đồ hoạ, Công nghệ thông tin - Ứng dụng phần mềm, Cơ điện tử, Kỹ thuật lắp đặt và điều khiển điện trong công nghiệp).

Bắt đầu từ năm học 2013 – 2014, nhà trường quyết định đào tạo thí điểm Cao đẳng nghề chất lượng cao và Kỹ sư thực hành, tập trung tuyển sinh tại 5 nghề được lựa chọn để quy hoạch với số lượng là 25 sinh viên/1 lớp/1 nghề. Tương ứng với hai chương trình đào tạo này, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng Cao đẳng chính quy và Kỹ sư thực hành. Có thể khẳng định đây là một hướng đi mới trong việc mở rộng các loại hình đào tạo của nhà trường, tạo cơ hội học tập cho sinh viên.

4. Là nhà trường gắn kết chặt chẽ với DN trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực

Nhà trường thành lập Tổ Quan hệ DN trực thuộc phòng Đào tạo với mục đích giải quyết việc làm cho sinh viên, sau khi ra trường và tăng cường mối quan hệ với các DN. Hiện tại, nhà trường đã hợp tác với hơn 300 DN trong và ngoài nước triển khai các nội dung: Ký hợp đồng cho sinh viên thực tập kết hợp sản xuất, thực tập tốt nghiệp, tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động… Đặc biệt, nhà trường thiết lập mối quan hệ sâu rộng với Samsung Electronics Việt Nam, Tập đoàn Sơn Hà, Công ty DST Việt Nam… Những DN, Công ty này đã “đặt hàng” nguồn nhân lực, tài trợ các suất học bổng và thiết bị thực hành cho nhà trường với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ với DN trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đã giúp nhà trường giải quyết được đầu ra cho sinh viên. 90% sinh viên Khóa I sau khi tốt nghiệp có việc làm, trên 85% sinh viên Khóa II tìm được việc làm sau đào tạo.

5. Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội là cơ sở dạy nghề công bố chuẩn đầu ra cho sinh viên

Nhà trường quy định 3 nhóm chuẩn: Một là, chuẩn về kỹ năng nghề - sinh viên ra trường phải chắc tay nghề, kỹ năng nghề vững vàng. Hai là, chuẩn về tiếng Anh -sinh viên trước khi tốt nghiệp, trình độ ngoại ngữ phải đạt 350 điểm thi Toeic hoặc tương đương. Ba là, chuẩn về Tin học - chuẩn IC3 (tiêu chuẩn của Mỹ) là thước đo trình độ Tin học của sinh viên nhà trường trước khi tốt nghiệp.

Ngoài ba chuẩn bắt buộc trên, ngay từ khóa học đầu tiên, nhà trường chỉ đạo các khoa, Bộ môn phối hợp với nhà trường giảng dạy và cấp chứng chỉ cho sinh viên các kiến thức về kỹ năng mềm, văn hóa ứng xử và chuyên môn, tùy thuộc vào từng chuyên ngành đào tạo.

6. Là đơn vị có nhiều hoạt động quốc tế trong ngành Dạy nghề

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội luôn chủ động tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục, tổ chức đào tạo uy tín của các quốc gia phát triển trên thế giới. Công tác hợp tác quốc tế rất đa dạng như mời giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, báo cáo; trao đổi tài liệu, giáo viên và sinh viên; thực hiện các dự án ODA; tổ chức hội thảo, tọa đàm quốc tế; hỗ trợ kỹ thuật; liên kết đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giáo viên,… Nhà trường đã ký hợp tác với Công ty Megazone (Hàn Quốc) – công ty hàng đầu về thiết kế trang Web để thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin HHT – Megazone; hợp tác với Viện Công nghệ Yeoju để thành lập Trung tâm tiếng Hàn và mở các nghề thuộc nhóm nghề Chăm sóc sắc đẹp; hợp tác với trường Dupley và Tổ chức Caplans (Vương quốc Anh) để giảng dạy nghề Quản trị kinh doanh theo chương trình của Anh Quốc; hợp tác đào tạo tiếng Việt và chuyên môn cho Công ty Điện lực Hủa phăn (CHDCND Lào)…

7. Là một trong những đơn vị đào tạo nghề có nhiều đề tài nghiên cứu và sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ

Phong trào nghiên cứu khoa học được nhà trường tổ chức thường niên, triển khai sâu rộng tới cán bộ, giáo viên, học sinh – sinh viên trong toàn trường. Nhà trường đã biên soạn 50 cuốn giáo trình cùng với nhiều mô hình, mô đun, thiết bị dạy học chất lượng cao; nghiệm thu nhiều sáng kiến cải tiến; triển khai 5 Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường; bảo vệ thành công Đề tài nghiên cứu khoa học cấp TP Hà Nội năm 2014.

Nhà trường thành lập Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ với mục đích giúp người học tự thân lập nghiệp, tự tạo cơ hội việc làm và thể hiện tính hiệu quả trong hoạt động đào tạo của nhà trường. 90 sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ của cán bộ, giáo viên, sinh viên nhà trường đã được triển lãm và thương mại hóa tại Triển lãm sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ HHT lần thứ nhất.

8. Là trường giành được nhiều giải cao tại các cuộc thi Tay nghề các cấp và các phong trào thi đua

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao là đơn vị đăng cai và tham gia nhiều cuộc thi tay nghề, Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm các cấp. Chỉ tính riêng năm 2014, tại Kỳ thi Tay nghề Quốc gia, đoàn sinh viên nhà trường giành 11 giải Nhất, 4 giải Nhì, 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích, xếp hạng Nhất toàn đoàn. Và gần đây nhất, tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ X được diễn ra tại Việt Nam, 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 2 Chứng chỉ nghề xuất sắc là thành tích đáng tự hào mà sinh viên nhà trường đã đạt được. Tên tuổi của các em đã được vinh danh trên đấu trường của khu vực và Quốc tế.

Ngoài ra, nhà trường còn tích cực tham gia cuộc thi sáng tạo Robot; thi thiết kế chip điện tử do Tập đoàn Texas Instruments tổ chức.

Cùng với phong trào thi đua học tập rèn luyện, công tác Đoàn thanh niên - Hội sinh viên của nhà trường phát triển mạnh. Hầu hết các cuộc thi do Tổng cục Dạy nghề, Thành đoàn Hà Nội phát động, sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đều đạt giải cao (chẳng hạn như tại cuộc thi “Học nghề - Tương lai và tiếng nói của bạn trẻ” do Hội đồng Anh và Tổng cục Dạy nghề tổ chức, sinh viên đã giành giải Nhất toàn quốc ở hạng mục Website. Nhà trường tổ chức hơn 10 Câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa, thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Ghi nhận những thành tựu của thầy và trò nhà trường trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và các cá nhân đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Bằng khen của Tổng cục Dạy nghề, UBND TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đoàn kết, quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của nhà trường: “… Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trở thành một Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng – Chuyển giao công nghệ mạnh, có uy tín trong nước, trong khu vực; tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng liên kết với các DN để thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, học gắn liền với sản xuất, giải quyết có hiệu quả việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp… phấn đấu trở thành đơn vị đào tạo nghề công nghệ cao hàng đầu quốc gia, có uy tín trong khu vực và đạt tiêu chuẩn quốc tế…!”