Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những cú 'va chạm' giữa ông Trump và Ngoại trưởng Tillerson

Lan Hương (Theo Reuters/CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Tillerson có quan điểm khác ông Trump về thỏa thuận hạt nhân với Iran và ông có cái nhìn khắt khe hơn Tổng thống Mỹ về Nga.

Căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Ngoại giao vừa bị sa thải Rex Tillerson đạt tới đỉnh điểm vào mùa thu năm ngoái khi có thông tin ông Tillerson gọi Tổng thống Mỹ là “đồ ngốc” và cân nhắc việc từ chức trong cuộc họp của các quan chức an ninh cùng thành viên nội các.
Tổng thống Trump và Bộ trưởng Ngoại giao nhiều lần thể hiện bất đồng. 
Thực tế, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố công khai việc sa thải ông Tillerson. “Chúng tôi hợp tác với nhau khá tốt nhưng bất đồng về một số vấn đề”, Tổng thống Mỹ nói. Đây là các vấn đề gây mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Ngoại giao:
Thỏa thuận hạt nhân Iran
“Khi bạn nhìn vào Thỏa thuận Iran. Tôi thấy đó là một thỏa thuận tồi tệ nhưng tôi nghĩ ông ấy cho rằng nó không có vấn đề gì. Tôi muốn phá bỏ thỏa thuận này hoặc làm điều gì đó nhưng ông ấy lại nghĩ khác. Chúng tôi không có cùng suy nghĩ”, ông Trump nói.
Trong khi đó, Tổng thống Trump cho rằng, ông và Giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA) Pompeo cùng chung ý tưởng.
Đã có một số báo cáo trong vài tháng gần đây về việc ông Tillerson có thể bị thay thế nhưng ông Tillerson tuyên bố giữ nguyên ý định tại nhiệm.
Một quan chức cao cấp Nhà Trắng cho biết, ông Trump đã yêu cầu ông Tillerson từ chức từ hôm thứ Sáu tuần trước (9/3) nhưng chưa công bố vì ông Tillerson đang có chuyến công du ở châu Phi. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao hạ cánh xuống Washington sau chuyến đi.
Vấn đề Triều Tiên
Cũng theo vị quan chức này, Tổng thống Mỹ muốn ông Pompeo đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao trước cuộc hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các cuộc đàm phán thương mại.
 Ông Tillerson (trái) và ông Pompeo-người sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.
Tuần vừa qua, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố kế hoạch gặp mặt với lãnh đạo Triều Tiên, ông Tillerson đã không xuất hiện hay có phát ngôn nào.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Tillerson từng đề nghị bắt đầu các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng vô điều kiện, bác bỏ yêu cầu chính yếu mà Washington đặt ra cho Triều Tiên là phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Nhà Trắng lại không tán đồng với bình luận này. Vài ngày sau, chính ông Tillerson đã rút lui.
Nhiều tháng trước đó ở Bắc Kinh, ông Tillerson nói với các phóng viên rằng Mỹ đang trực tiếp liên lạc với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra không quan tâm đến đối thoại.
Chỉ một ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ thái độ không ủng hộ những nỗ lực của Bộ trưởng Ngoại giao Tillerson.
"Tôi đã nói với ông Rex Tillerson, rằng ông ta đang lãng phí thời gian của mình để đàm phán với Triều Tiên”, ông Trump viết trên Twitter.
Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Hôm 8/2, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson không ngần ngại cáo buộc trực tiếp, cho rằng Nga đã có những động thái cố tình can thiệp vào đợt bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới của Mỹ, điều ông Trump và Điện Kremlin đều bác bỏ.

Gần đây nhất, ngày 12/3, ông Tillerson đã đổ lỗi cho Nga vì đầu độc một cựu điệp viên Nga và con gái tại Anh. Nhưng Người Phát ngôn Nhà Trắng không cho rằng Moscow chịu trách nhiệm về việc này.

Nếu được Thượng viện chấp thuận sau phiên điều trần vào tháng tới, ông Pompeo sẽ chính thức trở thành Bộ trưởng Ngoại giao.