Công việc mà các tình nguyện viên (TNV) của HFTGs làm miễn phí suốt 4 năm qua khiến không ít du khách yêu mến gọi họ là những "đại sứ" nhỏ của Hà Nội…
Gian nan buổi đầu
Ngày cuối năm, gió lạnh mang theo cái rét "cắt da cắt thịt", nhưng Đào Thành Công - người sáng lập HFTGs cùng Ban điều hành tour vẫn bắt đầu công việc từ rất sớm. Công cho biết: "Mình thường thức dậy lúc 5 giờ để kiểm tra email, trả lời khách rồi xem thông tin TNV đăng ký lịch rảnh để phân tour. Buổi tối, sau giờ làm phải xem phản hồi của khách để biết họ có hài lòng hay không và tiếp tục chuyển thông tin tour đến các bạn TNV. Thường thì công việc kết thúc sau 24 giờ". Công cho biết, sinh viên rất "khát" môi trường rèn luyện ngoại ngữ, rất dễ bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ tìm đến khu Hoàn Kiếm hay Văn Miếu với mong muốn có được cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. "Tôi nghĩ, tại sao mình không thành lập một tổ chức mà ở đó các bạn sinh viên, những người yêu thích văn hóa, du lịch có thể rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, đồng thời giúp đỡ du khách quốc tế hiểu hơn những nét đẹp văn hóa cũng như lịch sử, con người Tràng An" - Công chia sẻ. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, tổ chức HFTGs ra đời năm 2010.
Biết Công từ những ngày đầu khi HFTGs vẫn là con số "không", tôi đã chứng kiến nỗ lực đáng nể của cậu để gây dựng HFTGs. Lúc ấy, Công là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội, áp lực học tập lớn, nhưng sau giờ lên lớp, cậu lại ngồi ôm lấy máy vi tính. Giỏi công nghệ thông tin, Công lập website, facebook riêng cho HFTGs, vào các diễn đàn du lịch để quảng bá cho HFTGs. Công phải đi làm gia sư, dịch thuật thuê để có kinh phí duy trì website và nuôi ước mơ của mình.
Công không thể quên những ngày đầu ấy: "Gian nan lớn nhất là quảng bá HFTGs đến bạn bè quốc tế, vì người nước ngoài có quan niệm "There's no such thing as a free lunch" (chẳng có gì gọi là bữa trưa miễn phí cả). Tâm lý này khiến việc quảng bá và tạo được lòng tin trong du khách rất khó. Việc tuyển TNV cũng là cả vấn đề, vì các bạn chưa biết tổ chức hoạt động như thế nào, nên vẫn e dè. Còn về tài chính, ngay cả nhu cầu đơn giản nhất là địa điểm để gặp gỡ và trao đổi của các thành viên cũng chưa có".
Công cũng không giấu, có lúc tưởng chừng không thể trụ vững. Song với ý nghĩa xã hội tốt đẹp, từ chỗ chỉ có vài thành viên ban đầu, sau 4 năm hoạt động, TNV của HFTGs đã có gần 500 người. Ban đầu, HFTGs chỉ có hướng dẫn viên nói tiếng Anh, nhưng giờ họ đã có thể làm hướng dẫn viên với 6 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. HFTGs còn được nhiều trường đại học trên thế giới tin tưởng giao hướng dẫn cho các đoàn học sinh, sinh viên của họ trong các chương trình giao lưu văn hóa tại Việt Nam.
Thế hệ trẻ năng động, sáng tạo
Công kể, lượng khách đến Hà Nội dịp Tết Dương lịch thường tăng đột biến, trung bình một ngày HNFTGs tổ chức khoảng 10 tour, nhưng Tết năm nay có thể lên đến 20 tour. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán, khách quốc tế không nhiều bằng, nên chủ yếu các TNV sống tại Hà Nội sẽ đảm trách các tour này. Năm ngoái, có một TNV sau khi dẫn khách tham quan các điểm, đã mời khách về nhà ăn Tết. Họ cực kỳ thích thú vì được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Tết cổ truyền đậm chất Việt. Thế nên, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này, rất nhiều TNV sống tại Hà Nội xin phép gia đình nhận các tour và đưa khách về nhà cùng bóc bánh chưng với gia đình. Và còn rất nhiều kỷ niệm khó quên khác mà các TNV được trải nghiệm. Như Công chia sẻ, cặp vợ chồng Việt kiều Mỹ được cậu hướng dẫn tham quan Hà Nội đã tặng cậu tấm bản đồ Bang Illinois (Mỹ) nơi họ sinh sống. Họ nói, nếu có dịp đến Illinois, hãy tìm đến, họ sẽ tặng lại cậu một tour miễn phí như cậu đã làm tại Hà Nội. Cặp vợ chồng ấy còn tặng Công chiếc áo sơ mi in cờ Việt Nam, điều đó chứng tỏ, Việt Nam luôn trong tim họ...
Điều đáng nói nhất là HFTGs đã đáp ứng được nguyện vọng của các bạn sinh viên. Như Kim Linh, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: "HFTGs đã giúp tôi năng động, tự tin hơn, không còn cảm giác e sợ khi giao tiếp với người nước ngoài. Tôi cảm thấy hãnh diện khi được là một trong những đại sứ nhỏ của Hà Nội". Hẳn vì thế mà Công cứ say sưa điều hành HFTGs từ sáng sớm đến tận khuya. Nhiều lúc, công việc cơ quan rất căng thẳng, nhưng cứ nghĩ niềm vui được đi tour của các tình nguyện viên là Công lại thấy phấn chấn. Như cậu nói, đó là một cách để "chở" văn hóa Hà Nội ra thế giới".
Những thành viên trong nhóm Hanoi Free Tour Guides với các đoàn khách du lịch quốc tế.
|
Hồng Kỳ “bắt nhịp” với xiếc trong "Chào Xuân Giáp Ngọ 2014" Rạp xiếc tròn (67 - 69 Trần Nhân Tông, Hà Nội) dịp Tết Dương lịch này dành hết các buổi tối (từ 28/12/2013 - 1/1/2014) cho nghệ sĩ Hồng Kỳ, giọng hát Việt nhí Chiến Thắng cùng các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam "tung hứng" chương trình "Chào Xuân Giáp Ngọ 2014". Cuộc hội ngộ của những tiết mục xiếc thú luôn cuốn hút các khán giả "nhí". Các em sẽ được gặp những chú ngựa hùng dũng chào năm mới theo cách riêng, rồi xiếc khỉ, gấu, chó tinh nghịch, hài hước mà thông minh. Bên cạnh đó, còn có những tiết mục thể hiện sự khéo léo, sức mạnh cơ thể, sự mạo hiểm và những màn ảo thuật hấp dẫn. Giọng hát Việt nhí Chiến Thắng cùng các bạn nhỏ thì sôi động trong vũ điệu Gangnam Style. Đặc biệt, hơn 30 năm gắn bó với thiếu nhi, anh Hồng Kỳ vẫn cứ trẻ trung, tươi vui và cuốn hút các bạn nhỏ. Chương trình được ghi hình trực tiếp để phát sóng trong dịp Tết Nguyên đán, vì thế hình ảnh tươi vui của khán giả cũng có thể xuất hiện trên truyền hình trong năm mới. “Dương cầm lạnh” lắng đọng cùng Phú Quang Dường như là một sự cân bằng trước những xốn xang ngày đầu năm, "Phú Quang - Dương cầm lạnh" sẽ lắng đọng trong không gian Nhà hát Lớn Hà Nội vào 3 đêm 3, 4 và 5/1/2014. Điều mà nhạc sĩ Phú Quang mong đợi là "Dương cầm lạnh" sẽ như một dấu lặng trong những ngày cuối đông, giúp những suy ngẫm của người xem thêm đong đầy cảm xúc… Và không gian lắng đọng trong ngày đầu năm này sẽ được NSND Lê Khanh "dắt tay" đưa vào âm nhạc trong vai trò MC, cùng những giọng ca "vàng" của Hồng Nhung, Mỹ Lnh, Tấn Minh, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Anh 3A và đặc biệt là tiếng saxophone Trần Mạnh Tuấn. Lê Khanh mang chèo vào kịch “Thị Hến” Vẫn trên "cái nền" dân gian của kịch bản "Nghêu, sò, ốc, hến", nhưng ngày đầu năm mới này, công chúng có thể trông đợi một "phiên bản" mới có tên gọi "Thị Hến" của NSND Lê Khanh. Rất nhiều người nói rằng, Lê Khanh đã pha chèo vào kịch, khiến tích dân gian kia thêm phần sâu cay mà vẫn duyên dáng đến thú vị. Chị đã tìm thấy một phá cách mới với tuồng tích dân gian này khi đưa vào sân khấu kịch thủ pháp ước lệ của chiếu chèo truyền thống. Đơn cử như một đêm nghe hát mộc mạc, dân giã, phảng phất chất chèo ngay phút kịch mở màn. “Xuân thênh thang” cùng Hồ Trung Dũng "Xuân thênh thang" là món quà đặc biệt Hồ Trung Dũng gửi tặng khán giả nhân dịp năm mới. Đây cũng là sản phẩm âm nhạc thứ 4 của Hồ Trung Dũng trong suốt 5 năm theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp. Album gồm 8 ca khúc: Lời tỏ tình của mùa xuân, Hoa cỏ mùa xuân, Nắng có còn xuân, Cảm ơn một đóa xuân ngời, Em đã thấy mùa xuân chưa, Hãy mang đến những mùa xuân, Mộng chiều xuân và Thênh thang do chính Hồ Trung Dũng sáng tác. Điểm nhấn của album nằm ở "Thênh thang" với sự hòa giọng của nghệ sĩ opera hàng đầu Việt Nam - ca sĩ Ngọc Tuyền. Thục Anh |