Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những đồng tiền giảm giá do khủng hoảng Ukraine

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khủng hoảng Ukraine đã khiến hàng loạt đồng tiền của nhiều nền kinh tế chao đảo.

Đồng Rúp của Nga đã lại có phiên giảm điểm so với đồng USD. Thị trường chứng khoán Nga cũng có chung số phận. Trong phiên giao dịch ngày 11/9/2014, đồng Rúp giảm 0,9%, xuống còn 37,6205 Rúp/USD. Chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Nga giảm 1,1%, mạnh nhất kể từ ngày 29/8. Các cổ phiếu năng lượng và tài chính là những nhóm giảm mạnh nhất.

Nguyên nhân chính khiến thị trường tiền tệ và chứng khoán Nga “đỏ lửa” là do lệnh cấm vận mới của phương Tây. Sau nhiều ngày tranh luận, cuối cùng thì đại biểu của 28 nước thuộc EU đã đồng ý triển khai kế hoạch cấm một vài công ty trực thuộc Nhà nước Nga hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng huy động vốn ở thị trường châu Âu.

Kể từ đầu năm đến nay, đồng Rúp đã giảm tổng cộng 13% so với đồng USD. Chỉ tính riêng trong hơn hai tháng qua, đi kèm với những động thái trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga, đồng Rúp giảm hơn 8%. Trong tháng 8/2014, đồng Rúp mất giá khoảng 3,8% so với USD.

Hồi tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp vào thị trường ngoại hối và tăng lãi suất khẩn cấp để ngăn đà lao dốc của đồng nội tệ. Tuy nhiên, vào giữa tháng 8, Ngân hàng Trung ương Nga đã nới rộng biên độ dao động tỷ giá đồng Rúp và chấm dứt mọi biện pháp can thiệp bên trong khoảng biên độ này. Động thái này là một phần trong mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga chuyển sang chính sách lấy lạm phát làm mục tiêu dự kiến từ năm 2015.

Chính phủ Nga đã huy động được 124 tỷ rúp thông qua phát hành trái phiếu ở trong nước từ đầu năm đến nay. Nga cũng có thặng dư ngân sách 675 tỷ rúp trong 7 tháng đầu năm. Theo bà Olga Sterina, chuyên gia phân tích đến từ UralSib Capital, "tại thời điểm này, Nga vẫn có vị thế tài khóa ổn định".

Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định, thị trường chứng khoán Nga sẽ đối mặt một cú sốc tương tự như những gì mà Mỹ đã trải qua sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi năm 2008. Ngân hàng Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo gần đây rằng "căng thẳng chính trị đang khiến thị trường nghi ngờ về khả năng đầu tư vào Nga. Trong trường hợp xấu nhất liên quan đến lệnh trừng phạt, chứng khoán Nga có thể sẽ bị coi là không thể đầu tư được".

Đến nay, nền kinh tế Nga đã giảm tốc mạnh và ngấp nghé bờ vực suy thoái do tác động của lệnh trừng phạt. Tăng trưởng GDP sơ bộ công bố đầu tháng này cho thấy Nga có thể chỉ tăng trưởng 0,8% quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí tốc độ này còn giảm so với 0,9% quý I. Theo dự báo của Bộ Kinh tế Nga, nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2014. Tuy vậy, theo chuyên gia của JPMorgan, nguy cơ đối với kinh tế Nga hiện nay có thể sẽ không nghiêm trọng như những gì xảy ra sau vụ Lehman Brothers, bởi dầu thô vẫn giữ giá và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Nga có thể sẽ không lớn như ở thời điểm đó.

Nga hiện có hơn 400 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Nếu nội tệ yếu, họ hoàn toàn có thể dùng số tiền này mua lại Rúp trên thị trường để đẩy giá lên. Tuy nhiên, nền kinh tế đang yếu dần và sự phụ thuộc vào các loại hàng hóa như dầu mỏ và khí đốt có nghĩa Nga sẽ không sẵn sàng và cũng không thể làm được điều này.

Căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Kiev xoay quanh xung đột kéo dài 4 tháng qua ở miền Đông Ukraine cũng đã khiến đồng nội tệ grivna của Ukraine rớt giá xuống mức thấp kỷ lục mới so với các ngoại tệ mạnh như đồng USD và đồng Euro.

Ngân hàng Quốc gia Ukraine cho biết đồng grivna xuống mức thấp nhất từ trước đến nay với 13,65 grivna đổi một USD, giảm khoảng 40% trong năm nay từ mức khoảng 8 grivna /USD trước khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất hồi tháng 2.

Kinh tế Ukraine đang đứng bên bờ vực sụp đổ sau hơn hai năm suy thoái liên tiếp. Trong quý II năm nay, kinh tế Ukraine suy giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2009.  Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có thể giảm 6,5% trong năm nay trong khi nợ công tăng từ 683 tỷ grivna cuối tháng Hai vừa qua lên 821,8 tỷ grivna (60,2 tỷ USD) vào cuối tháng Sáu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm tài chính Fitch ngày 22/8 đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Ukraine xuống CCC.

Nước láng giềng phía Tây của Ukraine là Ba Lan cũng là một trong những quốc gia bị “vạ lây” bởi khủng hoảng ở Ukraine. Đông Zloty của nước này đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng Euro trong tuần qua. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan Marek Beka dự báo, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm.

Cùng với các đồng tiền của Nga, Ukraine, Ba Lan, đồng tiền chung Châu Âu - Euro cũng mất giá mạnh so với đồng USD. So với 3 tháng trước, 6 tháng và đầu năm, đồng Euro đã giảm giá so với đồng USD lần lượt là 3,5%; 4,5% và 4,56%. Có thể nhận định, cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Châu Âu và nguy cơ của việc gia tăng các lệnh trừng phạt Nga là những nguyên nhân kép làm đồng Euro liên tục giảm giá trị trong thời gian gần đây.