Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những gam màu nổi bật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Công ước tài chính" sẽ có tính ràng buộc về pháp lý thông qua một thỏa thuận được ký vào tháng 3/2012 hoặc sớm hơn, giữa 17 nước thành viên Eurozone, cùng với các quốc gia nằm ngoài khối này có cùng nguyện vọng được tham gia công ước.

Châu Âu tạm tìm ra lối thoát cho khủng hoảng nợ công nhưng triển vọng vẫn mong manh, khó lường. Trong khi đó, kinh tế Mỹ, Trung Quốc xuất hiện thêm nhiều tín hiệu lạc quan mới.

Thêm một lần “cuối cùng”

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 9/12, các nhà lãnh đạo khu vực đã nhất trí với những nguyên tắc nghiêm ngặt hơn về ngân sách với Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone). Trong đó nổi bật là việc đưa ra “Công ước tài chính”.

Đây được xem là là "nguyên tắc vàng" nhằm siết chặt kỷ luật về ngân sách với mục tiêu tránh lặp lại khủng hoảng nợ công. "Công ước tài chính" này được dựa trên các hiệp ước liên chính phủ, chỉ áp dụng cho Eurozone và những nước tham gia công ước.

Theo đó, mức trần "thâm hụt cơ cấu" hàng năm (được tính toán không tính đến những nhân tố chỉ xảy ra một lần như thanh toán nợ và những tác động đối với chu kỳ kinh tế) không vượt quá 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trước đây là 0%.

Các quy định nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng đối với các nước tham gia dưới sự giám sát của Tòa án Hiến pháp châu Âu. Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng tự động đối với những nước vi phạm trần thâm hụt, trừ phi nhiều nước tham gia phản đối.

"Công ước tài chính" sẽ có tính ràng buộc về pháp lý thông qua một thỏa thuận được ký vào tháng 3/2012 hoặc sớm hơn, giữa 17 nước thành viên Eurozone, cùng với các quốc gia nằm ngoài khối này có cùng nguyện vọng được tham gia công ước.

Hội nghị cũng nhất trí về một số biện pháp nhằm thuyết phục thị trường tin rằng họ đủ sức dựng "bức tường lửa" hiệu quả để ngăn chặn khủng hoảng nợ công bùng phát trong toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tuy nhiên, lối thoát tìm được ở trên vẫn bị xem là mong manh, bởi lẽ một lần nữa, hội nghị thượng đỉnh châu Âu lại cho thấy sự thiếu đồng thuận giữa các thành viên trong khu vực. Và điệp khúc “cuối cùng”, “giờ G” sẽ lại lặp lại trong một cuộc họp khác.

Kể từ tháng 3/2011 cho đến trước cuộc họp ở Brussels, đã có 5 cuộc họp thượng đỉnh của EU mang điệp khúc “cơ hội cuối cùng” và đều kết thúc với kết quả hạn chế. Có đến 4 trong số 5 cuộc họp đó luẩn quẩn với các vấn đề của Hy Lạp.

Tại cuộc họp lần này, EU gặp bế tắc trong việc cải tổ Hiệp ước Lisbon, xuất phát từ sự phản đối của Anh. Chính phủ Anh phản đối đề xuất của Pháp và Đức về áp thuế giao dịch tài chính cũng như những quy định mới nhằm kiểm soát các giao dịch này.

Theo Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron chỉ đồng ý thay đổi văn bản pháp lý này với điều kiện hiệp ước sửa đổi được đính kèm một điều khoản dành cho Anh một số miễn trừ đối với các quy định về dịch vụ tài chính.

Trước sự phản đối của Anh, Hungary và sự lưỡng lự của Thụy Điển, Cộng hòa Czech, EU rốt cục đi đến một thỏa thuận dung hòa, việc tăng cường kỷ luật ngân sách sẽ là một thỏa thuận mở, tức gồm Eurozone và sự tham gia tự nguyện của 10 nước EU còn lại.

Trung Quốc cứu, Mỹ không

Hôm 10/12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh bác bỏ ý kiến cho rằng Bắc Kinh khoanh tay đứng nhìn châu Âu vật lộn vượt khủng hoảng và rằng, nước này vẫn là một phần trong các nỗ lực quốc tế hỗ trợ châu Âu vượt khủng hoảng nợ.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục là một phần của nỗ lực này bởi chúng ta đều liên quan và tương hỗ lẫn nhau. Chúng ta đều chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này và cùng trên một con thuyền”, bà Phó Oánh phát biểu với báo giới ở Vienna.

Trong khi đó, một ngày trước, Mỹ tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu các quốc gia châu Âu, trong đó có Italy và Tây Ban Nha, nếu những nước này cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp và Ireland.

Thông báo này được đưa ra ngay sau khi Liên minh châu Âu nhất trí cùng đóng góp 270 tỷ USD để IMF có đủ tiền tung ra cứu trợ trong trường hợp một thành viên lớn của Eurozone gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn từ thị trường.

Lý giải về quyết định trên của Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geaithner nhấn mạnh IMF đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.

Một quan chức Mỹ tiết lộ Nhà Trắng hiện đang cân nhắc các phương án để tăng cường khả năng tài chính của IMF mà không cần phải sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để đóng góp cho IMF.

Kinh tế Mỹ, Trung cùng khởi sắc

Hôm 10/12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch ngoại thương tháng 11 của quốc gia này đã tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 334,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng 13,8%, nhập khẩu tăng 22,1%.

 

Thặng dư thương mại giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn, trong tháng 11 là 14,52 tỷ USD, giảm so với mức 17 tỷ USD của tháng 10. Theo Dow Jones, những số liệu này vượt xa dự báo của thị trường, bất chấp những bất ổn ở châu Âu và Mỹ.

 

Trung Quốc đang hướng tới lập một kỷ lục mới về kim ngạch ngoại thương. Trong 11 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu đã tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 3.310 tỷ USD và sớm vượt xa kim ngạch ngoại thương của năm ngoái là 2.970 tỷ USD.

Liên minh châu Âu (EU) vẫn là đối tác thương mại chủ chốt của Trung Quốc trong 11 tháng qua. Kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và EU từ đầu năm đến nay đã đạt 517,11 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2010.

Thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, đối tác lớn thứ hai, cũng tăng 16,9% đạt 405,43 tỷ USD. Thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 328,96 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, mặc dù khối lượng hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc tăng khá mạnh, song mức thâm hụt thương mại tháng 10 vừa qua của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 10, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đạt xấp xỉ 180 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước đó. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 1%, đạt 222 tỷ USD.

Như vậy, Mỹ nhập siêu khoảng 43 tỷ USD trong tháng 10, mức thấp nhất trong một tháng kể từ đầu năm 2011.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tăng tổng cộng 15,5%, đạt 234,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ôtô tăng mạnh. Nhập khẩu dầu mỏ vẫn đóng góp tới hơn 58% vào tổng thâm hụt thương mại của Mỹ.

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang thị trường 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 10/2011 tăng 1%, đạt hơn 23 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng 6,3%, đạt 31 tỷ USD.

Nhập khẩu của Mỹ từ thị trường Trung Quốc trong tháng 10 vọt lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 4/2008, đạt 37,8 tỷ USD. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 10 đạt 9,7 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2010.