Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những hành động kịp thời, cần thiết

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện về nữ sinh lớp 9 tại Hưng Yên bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng một cách tàn bạo và làm nhục trước sự chứng kiến của cả lớp vì lý do dám viết thư cho bạn trai của một nữ sinh trong nhóm hành hung thì lại có việc một nữ sinh lớp 7 ở Diễn Châu, Nghệ An, bị nhóm bạn gái đón đường đánh vì tội tung tin bạn mình mang bầu.

Điều đáng lo ngại là các em đều còn nhỏ, chỉ mới ở lứa tuổi khăn quàng đỏ như chúng ta hay nói, mà đã dính vào những chuyện như của người lớn.
Cần nhắc lại là đây không phải lần đầu chúng ta phải chứng kiến những vụ việc tương tự. Ít lâu nay, mạng xã hội thường xuyên đăng tải những sự cố kiểu này về bạo lực học đường, mà điều đáng buồn lại đa phần xảy ra giữa các em gái.
Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Còn theo thống kê của ngành Công an, một năm có khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học.
Nhắc lại những con số đáng lo ngại như vậy để thấy rằng bạo lực học đường đang diễn biến ngày một phức tạp, không chỉ ở số đầu vụ gia tăng mà ở tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng. Những năm trước, xã hội đã bàng hoàng, phẫn nộ trước một clip được tung lên mạng về một nhóm nữ sinh xúm nhau vào đánh bạn. Thời điểm đó, việc các em đánh nhau, hay một nhóm đánh bạn theo kiểu hội đồng đã là quá nghiêm trọng thì sự việc ngày nay không chỉ có như vậy.
Không chỉ đánh bạn một cách dã man, nhóm nữ sinh còn có hành vi làm nhục bạn mình bằng cách lột đồ trước bao nhiêu con mắt của bạn bè cùng và khác giới. Có một sự trùng lặp đáng buồn là chỉ trong ít ngày cuối tháng Ba, nhiều vụ bạo lực học đường đã diễn ra. Và nếu để ý một chút thì ta có thể thấy hành vi của 5 nữ sinh ở trường Phù Ủng cũng na ná như hành vi của mấy người đàn bà đánh ghen trên hè phố Hà Nội gần Trung tâm thương mại Vincom phố Bà Triệu xảy ra gần như cùng thời điểm: Cũng túm tóc, đánh vào mặt vào đầu một cách dã man và cuối cùng là làm nhục bằng cách lột đồ!
So sánh hai vụ việc nói trên, không cần phân tích sâu xa gì lắm cũng thấy sự liên hệ đáng buồn. Và không thể không đặt một câu hỏi: Phải chăng người lớn đã vô tình “dạy” lũ trẻ cách hành xử tàn ác với nhau như vậy? Bởi thời gian gần đây, ngày càng nhiều những vụ đánh ghen kiểu túm tóc, lột đồ được thông tin trên mạng xã hội. Mà không chỉ mạng xã hội, một vài tờ báo mạng còn tường thuật khá chi tiết những vụ bạo lực đó.
Đơn cử như vụ việc trên phố Bà Triệu, một tờ báo đã “tường thuật” khá tỉ mỉ, trình tự, cụ thể như một đoạn phim quay chậm những hành vi phản cảm của nhóm phụ nữ đánh ghen đối với cô gái là nạn nhân của họ. Không thể nói gì khác hơn là họ đã vô tình cung cấp một “bài giảng” về cách hành hung và làm nhục đồng loại.
Sự việc ở Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Trị… đã và đang được ngành giáo dục, các cơ quan hữu quan từ trung ương đến các địa phương vào cuộc xử lý rốt ráo theo chức năng và cũng là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ hôm 2/4 vừa rồi. Các học sinh có hành vi bạo lực, những người có trách nhiệm để xảy ra vụ việc sẽ phải nhận những hình thức kỷ luật thích đáng, đủ tính răn đe.
Tuy nhiên, từ những gì chúng ta được thấy trên mạng xã hội thời gian qua, xem ra còn một đối tượng khác không thể coi là vô can, không bị xử lý. Đó là những người vì những mục đích khác nhau mà tung những clip mang tính bạo lực một cách tràn lan trên mạng xã hội, những tờ báo với mục đích giật gân câu khách, miêu tả quá chi tiết về những vụ việc nói trên theo kiểu vẽ đường cho hươu chạy, và đặc biệt là những người không những chỉ dửng dưng vô cảm mà còn bình thản trước nỗi đau của người khác, bình tĩnh quay clip để đưa lên mạng.
Chúng ta có thể hình dung ra tác hại không nhỏ của hành vi kiểu này nếu biết trang mạng của Ngô Bá Khá với nhiều video clip có lời lẽ tục tĩu, lối sống thác loạn trên YouTube có tới gần 2 triệu người theo dõi!
Thậm chí ngay cả khi Khá đã bị công an tạm giữ, trên một trang báo mạng vẫn còn những cái tít kiểu như Cuộc sống nổi tiếng trên mạng của "Khá Bảnh" trước khi bị bắt, Ngôi sao mạng xã hội Khá “Bảnh” bị bắt vì đánh bạc, Khá “Bảnh” thu hơn 400 triệu đồng/tháng từ video trên YouTube…
Cũng cần phải ghi nhận những hành động kịp thời, kiên quyết gần đây của các cơ quan chức năng. Đó là công an tỉnh Bắc Ninh đã có biện pháp xử lý với đối tượng Ngô Bá Khá. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Bộ TT&TT cũng đã đề nghị nhà cung cấp dịch vụ YouTube khoá kênh của Ngô Bá Khá vì có nội dung khiến dư luận bức xúc, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Những hành động kịp thời, kiên quyết như trên cần được thực hiện nhiều hơn để răn đe cùng với việc tạo dư luận xã hội lên án, phê phán chắc chắn sẽ góp phần hạn chế đi đến chấm dứt tình trạng bạo lực học đường cũng như những hành vi bạo lực, thậm chí vi phạm pháp luật đang diễn ra trong xã hội thời gian qua.