KTĐT - Việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua không hẳn đem lại toàn những tác động tích cực.
Gần đây, có nhiều quan điểm cho rằng giảm giá tiền đồng không quá nguy hại, đây là việc làm đúng đắn, kịp thời, tốt cho các mục tiêu xuất khẩu, dù nhập siêu tăng nhưng đó là nhập cho phục vụ sản xuất, giảm đầu cơ, xóa chợ đen…Tuy nhiên, một biện pháp được ban hành bao giờ cũng có tính hai mặt.
Với quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này, cũng như nhiều lần trước đó, tôi cho rằng đây không phải hành động trọn vẹn mà chỉ là động thái đối phó tình thế ở "thế chẳng đặng đừng".
Hãy thử làm vài phép so sánh về chính sách tiền tệ chung của Việt Nam và Trung Quốc, với cùng một cách thức quản lý chế độ tỷ giá nhưng có hai hiệu ứng khác nhau. Trong khi đồng nhân dân tệ ngày càng gia tăng mạnh lên do chính nội lực của nó (do năng lực sản xuất mạnh, dự trữ ngoại hối tăng cao) cũng một phần do sức ép từ bên ngoài thì VND ngày càng phải vật lộn để không bị giảm giá quá nhiều.
Do đó, chúng ta có thể thấy nguyên nhân hàng đầu chính là khả năng sản xuất hàng hóa của nền kinh tế. Khi sản xuất không tốt sẽ dẫn tới hệ lụy là cán cân thương mại suy giảm, thâm hụt thương mại quốc gia tăng… Điều này làm giảm niềm tin vào đồng nội tệ, làm gia tăng khả năng mất giá trong tương lai.
Nguyên nhân thứ hai chính là các dòng vốn nóng của quốc gia và vốn ngoại (FDI…) mất cân đối trong cách điều hành khiến nó chảy nhiều vào bất động sản hoặc chứng khoán với mục đích đầu tư nóng (chứ không phải lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu). Điều này khiến lĩnh vực bất động sản luôn nóng và đẩy giá tăng cao quá mức, bất hợp lý (Việt Nam trên bảng xếp hạng các quốc gia phát triển với thứ bậc là 120 nhưng giá trị bất động sản đứng ở mức 20 trên thế giới).
Dù chế độ vàng bản vị đã bỏ từ lâu nhưng do hoàn cảnh lịch sử, tâm lý và thói quen định giá và thanh toán, nó vẫn tồn tại, gắn chặt với mọi giao dịch trong cuộc sống, đặc biệt là nhà đất. Đây chính là hiện tượng vàng và đôla hóa nền kinh tế ngày một nghiêm trọng. Với nền tảng như vậy, khi có dấu hiệu khủng hoảng tài chính, các diễn biến thường phức tạp và khó kiểm soát hơn nhiều lần.
Việc chính phủ quyết định nới lỏng tỷ giá từ 18.932 đồng đổi một đôla Mỹ lên 20.693, nhưng siết biên độ 1% ngày 11/2 đồng nghĩa với việc phá giá có kiểm soát. Mục đích của việc làm này là kích cầu xuất khẩu, gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thương mại vốn đã bị thâm hụt nghiêm trọng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam mang một dấu ấn đặc thù. Trong thời gian qua, dù xuất khẩu có cải thiện nhiều nhưng cán cân thương mại vẫn luôn thâm hụt. Lý do là lượng hàng hóa nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng cũng như tái xuất vẫn luôn chiếm thế áp đảo.
Với sản phẩm Việt Nam xuất khẩu thì chi phí đầu vào, nguyên liệu… đã chiếm hơn 80% giá trị của hàng hóa, trừ một vài sản phẩm nông nghiệp hay nguyên liệu thô đơn thuần. Nguyên nhân sâu xa đó chính là một nền sản xuất nhỏ lẻ manh mún, thiếu vắng hẳn ngành nghiên cứu và công nghiệp phụ trợ. Tình trạng này kéo dài trong nhiều thập kỷ và hiện vẫn chưa có gì thay đổi tương ứng với thời đại công nghiệp hoá cũng như nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng ở trong nước.
Hơn nữa, chi phí sản xuất ra một sản phẩm của Việt Nam vẫn cao. Dù có lợi thế về giá công nhân nhưng các khoản chi phí chính thức như lãi suất, thuế không hề thấp cộng thêm những khoản chi phí ngầm khiến cho giá thành phẩm không hề rẻ đi mà vẫn tăng mạnh.
Theo quy luật thông thường khi một quốc gia hạ giá đồng tiền của mình sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh trong ngắn hạn khoảng 3 năm (giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp hơn, hàng hóa nội địa rẻ hơn, gia tăng khả năng xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế...). Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn vào các mốc điều chỉnh tỷ giá và cán cân thương mại Việt Nam để làm phép so sánh.
|
Sự tương thích của hai biểu đồ số liệu này trong những năm qua cho thấy, không phải cứ giảm giá đồng Việt Nam để kích thích xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế là một sự lựa chọn đúng đắn.
Ngoài ra, hệ quả tiêu cực, độ trễ của chính sách và các biện pháp hành chính thường chậm, không có sự cân nhắc hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động từ biện pháp trên có thể gây thêm tâm lý bất an. Chỉ khi nào các yếu tố vĩ mô minh bạch, ổn định, cải thiện được nguồn cung và dự trữ ngoại hối thì mới mong chấm dứt hoặc hạn chế được hiện tượng hai tỷ giá cũng như tâm lý găm giữ vàng và USD của người dân.
Trong tương lai gần (2011), các nhân tố bất ổn trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng. Theo dự báo của nhiều chuyên gia phân tích thì vàng, dầu, lương thực… vẫn tiếp tục tăng giá, đặc biệt giá lương thực sẽ tiến tới ngưỡng nguy hiểm cho các nước có mức thu nhập trung bình. Chính nó sẽ góp phần gây sức ép lên VND trong thời gian tới ngoài yếu tố tâm lý. Cũng vì thế, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh, sự lựa chọn khôn ngoan cũng như chiến lược chủ động ứng phó hợp lý trong cả ngắn hạn và lâu dài.