KTĐT - Thị trường bảo hiểm càng phát triển thì các hình thức trục lợi bảo hiểm cũng ngày càng đa dạng hơn, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm cũng tinh vi hơn theo thời gian và số tiền gian lận trục lợi bảo hiểm cũng ngày càng nhiều hơn.
Gần đây trên thị trường bảo hiểm đã liên tục xuất hiện những hình thức trục lợi bảo hiểm. Có những trường hợp do khách hàng bảo hiểm liên kết với cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm để trục lợi. Có trường hợp do khách hàng bảo hiểm liên kết với cán bộ của các cơ quan Nhà nước, gây sức ép bắt doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường. Việc gian lận này không những ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm mà còn gây tác động xấu tới xã hội, gây thiệt hại trực tiếp đến những khách hàng mua bảo hiểm trung thực...
Trục lợi bảo hiểm là hành vi kiếm lợi bất hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm và tham gia bảo hiểm. Mục đích của đại đa số khách hàng là mua bảo hiểm cho tài sản của mình để được chia sẻ rủi ro, để an tâm là tài sản của mình được bảo vệ khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số trường hợp khách hàng gian dối, mua bảo hiểm khi đã bị tai nạn hoặc cố tình gây ra tổn thất để đòi tiền bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc ban bồi thường của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (gọi tắt là Bảo Minh) đã cung cấp cho chúng tôi hồ sơ của hàng trăm vụ trục lợi bảo hiểm với các thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn như một khách hàng nước ngoài đến gặp trực tiếp cán bộ Bảo Minh và yêu cầu cấp hợp đồng bảo hiểm hàng hóa ngay cho lô hàng được chất lên tàu và tối đến sẽ khởi hành. Khách hàng còn yêu cầu cán bộ bảo hiểm ra cảng để giám định trực tiếp. Hồ sơ toàn bộ lô hàng là hợp lệ, rõ ràng. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, cán bộ Bảo Minh đã từ chối bảo hiểm. Một thời gian sau, Báo An ninh Thế giới đã vạch trần thủ đoạn trục lợi của con tàu này bởi nó là “con tàu ma” mua bảo hiểm rồi tự tạo ra tai nạn để trục lợi bảo hiểm.
Trước đó, một vụ việc điển hình về trục lợi bảo hiểm đã được phát hiện tại Công ty Cổ phần bảo hiểm PJICO. Lẽ ra trước ngày 1-11-2002 (thời điểm tàu Hanjin rời cảng Sài Gòn đi Hamburg) chủ hàng phải mua bảo hiểm cho lô hàng tôm của mình, nhưng mãi đến ngày 11-11-2002 khi tàu bị hỏa hoạn tại Srilanka làm cho toàn bộ lô hàng tôm chở trên tàu bị thiệt hại, đại diện cho chủ hàng mới đến PJICO để mua bảo hiểm cho lô hàng. Đây là nguyên nhân tạo nên việc một số người có chức vụ của công ty đã “rút ruột” PJICO 3,8 tỉ đồng và chia nhau.
Theo khai báo của lái xe ô tô mang biển kiểm soát 29Z-8337, vào khoảng 21 giờ ngày 18-12-2008 tại quốc lộ 18 A thuộc tổ 59 phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, do trời tối, tầm nhìn hạn chế nên người lái xe đã để ô tô va chạm mạnh vào nhà ông Phạm Xuân Lốp bên đường. Hậu quả là xe ô tô bị hư hỏng nặng, tổn thất lên đến 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi tiến hành làm thủ tục bảo hiểm, các cán bộ của Bảo Minh đã phát hiện ra nhiều điều vô lí xung quanh vụ tai nạn này. Chẳng hạn như theo khai báo của lái xe thì chiếc xe đã đâm vào bức tường gạch, nhưng phần trước của xe lại không có vết gãy, vỡ , trong khi toàn bộ đèn, giàn nóng, giàn làm mát, hộp số, kính chắn gió trước… lại hư hỏng rất nặng, phải thay thế. Trước những nghi ngờ nói trên, Bảo Minh đã nhờ Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) giám định dấu vết va chạm dẫn đến thiệt hại của xe ô tô biển số 29Z-8337. Kết luận giám định do Đại tá Trần Văn Điểm kí ngày 28-5-2009 đã khẳng định “Các dấu vết trên xe ô tô biển số 29Z-8337 không phù hợp va chạm với bức tường có kích thước 1 mét x 1 mét và cột sắt chống mái hiên”. Điều đó có nghĩa là phần khai của lái xe không đúng với thực tế.
Lãnh đạo của một doanh nghiệp bảo hiểm đã kể cho chúng tôi rất nhiều vụ việc bên mua bảo hiểm cố ý gây tổn thất đối với tài sản được bảo hiểm. Đó là hình thức trục lợi bảo hiểm nghiêm trọng nhất và cũng khó phát hiện nhất vì kẻ trục lợi bảo hiểm thường là những người am hiểu về kĩ thuật nghiệp vụ bảo hiểm. Ý đồ trục lợi của hình thức này thường nảy sinh từ khi chuẩn bị tham gia bảo hiểm, quy mô trục lợi thường lớn, số tiền gian lận, trục lợi rất cao. Việc trục lợi bảo hiểm được thực hiện dưới hình thức: Người được bảo hiểm (chủ tài sản) sẽ tháo dỡ các bộ phận tài sản, máy móc, thiết bị có giá trị, thay vào đó là các bộ phận tài sản, máy móc thiết bị có giá trị kém hơn. Sau đó, sẽ cố ý phá hủy tài sản đã mua bảo hiểm. Đương nhiên là khi tài sản đã được hủy hoại xong thì kẻ trục lợi bảo hiểm vẫn nhận tiền bồi thường tương ứng với giá trị của các bộ phận tài sản, máy móc thiết bị có giá trị. Ví dụ chủ tàu biển sau khi kí kết hợp đồng bảo hiểm cho con tàu của mình đã tháo dỡ hết các trang thiết bị máy móc trên tàu chuyển đi nơi khác, công đoạn cuối cùng là đánh chìm con tàu này và đòi tiền bồi thường của bảo hiểm. Cũng có trường hợp người được bảo hiểm “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng tổn thất xảy ra để làm hư hỏng thêm hoặc phá hủy hoàn toàn tài sản đã tham gia bảo hiểm, nhằm được bồi thường cao hơn hoặc là được thay thế tài sản bị hư hỏng bằng một tài sản mới có giá trị cao hơn.
Theo đánh giá của Cục Quản lí và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2009 thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế với tỉ trọng doanh thu/GDP ước đạt 2,3%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước cả năm 2009 đạt khoảng 24.681 tỉ đồng. Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước cả năm 2009 là 1.581 tỉ đồng, tương đương 85% tổng phí thu xếp cả năm 2008. Tổng hoa hồng môi giới bảo hiểm nhận được là 221 tỉ đồng. Các nghiệp vụ bảo hiểm chính được thu xếp qua môi giới là: Bảo hiểm tài sản và thiệt hại (31,9%), bảo hiểm sức khoẻ và tai nạn con người (28,73%), bảo hiểm trách nhiệm chung (12,24%)…
Thị trường bảo hiểm càng phát triển thì các hình thức trục lợi bảo hiểm cũng ngày càng đa dạng hơn, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm cũng tinh vi hơn theo thời gian và số tiền gian lận trục lợi bảo hiểm cũng ngày càng nhiều hơn. Các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị Nhà nước cần phải xử lí nghiêm minh những trường hợp gian lận, trục lợi bảo hiểm nhằm đảm bảo cho quyền lợi của những người mua bảo hiểm trung thực đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển thị trường dịch vụ bảo hiểm nước ta một cách bền vững.
Tình trạng trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam là khá phổ biến nhưng để phát hiện được lại rất khó khăn. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất là công ty bảo hiểm hủy hợp đồng và việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm là hợp pháp và được quy định trong Điều 23, Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên trên thực tế việc áp dụng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Mới đây, Bảo Minh đã có công văn số 3025 gửi Cục Quản lí Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) về vấn đề này. |