Tuy nhiên, sự ra đi của Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdulaziz Al Saud – kiến trúc sư trưởng của thị trường dầu thế giới ở tuổi 90 đã lập tức tác động mạnh đến giá dầu.
Nhà cải cách lớn
Quốc vương Abdullah sinh năm 1924, lên ngôi năm 2005 nhưng thực ra đã có hàng chục năm nhiếp chính trước đó khi người tiền nhiệm là Vua Fahd bị suy nhược do đột quỵ. Trong 10 năm tại vị, ông được xem là một nhà cải cách của quốc gia dầu mỏ, theo phương thức chậm mà chắc khi cho phép báo chí chỉ trích chính phủ một cách nhẹ nhàng và gợi ý rằng cần cho phép nhiều phụ nữ đi làm hơn. Năm 2011, Quốc vương Abdullah mở rộng quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ - bước tiến quan trọng nhất trong việc giải phóng nữ quyền tại quốc gia này trong hàng chục năm qua. Ngoài ra, ông còn là người ủng hộ cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông từ rất sớm. Trong những năm 1970, tiếng tăm của Quốc vương Abdullah khi đó được truyền thông quốc tế biết đến khi công khai chỉ trích chính sách của Mỹ tại Trung Đông và ủng hộ cho quan điểm thống nhất thế giới Ả Rập. Ông tin rằng, sự đoàn kết của thế giới Ả Rập sẽ khiến dầu mỏ và tiền bạc trở thành thứ vũ khí đáng gờm, chống lại sức mạnh của phương Tây. Năm 1980, ông thành công trong việc ngăn cản cuộc chiến giữa hai quốc gia Hồi giáo là Jordan và Syria, từ đó nâng cao uy tín cá nhân của mình trên chính trường Ả Rập Saudi và giới ngoại giao quốc tế.
Là người đứng đầu quốc gia chiếm tới 16% trữ lượng dầu thế giới, Quốc vương Abdullah là “kiến trúc sư” của chiến lược giá dầu thế giới và có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của ông trong vài năm gần đây đã làm dấy lên quan ngại về nhà lãnh đạo tương lai của Ả Rập Saudi - một trong những nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên thế giới. Trên thực tế, kể từ sau khi Quốc vương Abdullah phải nhập viện từ ngày 31/12/2014 do bị viêm phổi đến nay, chiến lược về giá dầu của Ả Rập Saudi đã được giữ nguyên theo quan điểm của Quốc vương. Trước đó, Quốc vương đã quyết định ghìm giá dầu, giữ nguyên khối lượng khai thác, không cắt giảm bất chấp giá dầu sụt giảm đáng kể.
Quốc vương Abdullah băng hà khiến giá dầu thêm bất ổn trong thời gian tới vì bộ máy lãnh đạo mới chắc chắn sẽ chưa vội thực hiện bất kỳ một sự thay đổi chính sách nào trong tương lai gần. Vì thế, ngay sau khi thông tin Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz qua đời lan truyền, giá giao dịch dầu thô West Texas Intermediate (WTI) Mỹ đã tăng 3,1%. Trong phiên giao dịch châu Á sáng 23/1, WTI đã tăng giá thêm 0,93 USD, tương đương 2,01%, đạt mức 47,24 USD/thùng.
Tác động sâu rộng
Kế nhiệm Quốc vương Abdullah là Hoàng tử Salman bin Abdul Aziz với di sản chính trị là sự ổn định của Ả Rập Saudi trong bối cảnh khu vực Trung Đông đầy bất ổn và nội bộ nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến tranh giành thị phần. Nhận định về chính sách của người kế nhiệm ở Ả Rập Saudi - đầu tàu trong OPEC, các nhà bình luận cho rằng, vị Quốc vương 79 tuổi này sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức trong ngắn hạn như chuyển giao quyền lực nội bộ cho tới các vấn đề đối ngoại: Giải quyết ra sao mối quan hệ với Mỹ, Iran, Iraq, sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc khủng hoảng ở Yemen và sự ổn định chính trị ở Trung Đông… Về dài hạn, tân Quốc vương phải đối mặt với thực trạng gia tăng dân số quá nhanh, không tạo đủ việc làm cho người lao động và một nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Trong chiến lược ngoại giao, quan hệ với Mỹ vốn được Quốc vương quá cố Abdullah chủ trương duy trì và thúc đẩy nhằm “tung hứng” giá dầu có thể sẽ thay đổi. Mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi vốn được coi là “một động lực cho ổn định và an ninh ở Trung Đông” sẽ được tân Quốc vương - người phải bảo vệ quyền lợi của Ả Rập Saudi duy trì nhưng áp lực từ tình trạng sụt giảm nguồn thu ngân sách do dầu mất giá chắc chắn được điều chỉnh. Vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm không kém là liệu đầu tàu OPEC có theo đuổi chính sách thù địch với Iran và có tiếp tục thực hiện cam kết chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực hay không.
Thị trường năng lượng đang chờ đợi những bước chỉ đạo đầu tiên của vị kiến trúc sư trưởng mới với rất nhiều nghi ngại. Tuy nhiên, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng của Ả Rập Saudi gần 13 năm qua và trước đó là Thống đốc tỉnh Riyadh trong suốt nửa thế kỷ, tân Quốc vương Salman không chỉ là một nhà kinh tế lão luyện mà còn là chiến lược gia về quân sự tài năng, là nhà ngoại giao có uy tín trong khu vực và có quan hệ tốt với phương Tây. Vì thế, thị trường kỳ vọng, sau những thăm dò ban đầu, tân Quốc vương Salman sẽ có các bước đi phù hợp để điều chỉnh giá dầu thế giới theo hướng hợp lý, hỗ trợ cho sự tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.
Hoàng tử Salman bin Abdul Aziz. Ảnh: Susris
|